Như Thanh Niên đã thông tin, báo cáo của Cục Hàng không cho thấy tỷ lệ chuyến bay delay bắt đầu tăng cao khi bước vào mùa cao điểm du lịch hè. Cụ thể, trong tháng 6, các hãng hàng không VN thực hiện 22.459 chuyến bay thì có 6.892 chuyến bị chậm giờ, chiếm tỷ lệ 30,7%, tăng vọt so với tháng trước (tháng 5 có 17,8% chuyến bay của các hãng hàng không VN bị delay). Đồng nghĩa trong tháng 6 có 15.567 chuyến bay đúng giờ, chiếm tỷ lệ 69,3%, giảm mạnh so với tháng trước (82,2%). Đây là tháng bắt đầu cao điểm hè, ngành hàng không tăng tải phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách, đặc biệt là các chuyến bay từ các TP lớn đến các điểm du lịch.
Theo Cục Hàng không, 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chuyến bay cất cánh trễ giờ trong tháng 6 là do máy bay về muộn (59,5% số chuyến bay delay) và do các hãng hàng không (30,8%). Các nguyên nhân còn lại là thời tiết, quản lý, điều hành bay, trang thiết bị và dịch vụ tại sân bay và các lý do khác. Cũng trong tháng 6, có 116 chuyến bay bị hủy, chiếm tỷ lệ 0,5%. Nguyên nhân chủ yếu buộc các hãng phải hủy chuyến là lý do khai thác (57,8% số chuyến bay delay), thương mại (20,7%). Còn lại là lý do kỹ thuật, thời tiết và lý do khác. Tính chung 6 tháng đầu năm, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ là 75,7%; chậm giờ là 24,3%.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia VN, cho biết khách hàng luôn ở thế yếu và chịu thiệt thòi. Nếu đến trễ giờ làm thủ tục thì khách mất luôn vé vài triệu đồng, hoặc phải trả thêm tiền đổi chuyến; còn các hãng trễ chuyến thì chỉ cần nhắn tin xin lỗi, nếu chậm hoặc hủy chuyến thì mức bồi thường cao nhất cũng chỉ 400.000 đồng.
Nỗi khổ hành khách bị delay
"Mình đi từ Hải Phòng vào TP.HCM. Mua vé 22 giờ 30 bay, sau đó nhận được email đổi lại là 23 giờ 30, rồi 0 giờ 15 ngày hôm sau, sau đó là báo trên loa tại sân bay delay tới 1 giờ 50, rồi tới 2 giờ 20 mới được lên máy bay, 5 giờ sáng mới ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất. Nhà thì ở Thái Bình, phải đi trước để làm thủ tục, sau đó là phải đợi mấy tiếng đồng hồ ở sân bay. Đủ thứ lý do để trì hoãn. Mình thấy máy bay phải có và lên kế hoạch rõ ràng, nếu có chậm thì cũng vài chục phút, chứ đâu chậm mấy tiếng. Nếu vậy thì bán vé trước 2 giờ 20 đi sao lại phải bán 22 giờ 30 ngày hôm trước?", bạn đọc (BĐ) R3ĐF bức xúc.
BĐ lamsonxuyen09081973 kể: "Bình thường mà! Ngày 19.7 mình mua vé bay lúc 22 giờ 35 từ sân bay Đà Nẵng đến TP.HCM, nếu bay đúng lịch trình thì khoảng 1 giờ 30 ngày 20.7 mình sẽ về đến nhà, nhưng delay... delay... rồi delay... rồi lại delay, mình về đến nhà 4 giờ 30 sáng. Vật vờ ở sân bay cả mấy tiếng đồng hồ (tính từ lúc đến sân bay sớm trước 2 tiếng là 20 giờ 30 để làm các thủ tục), thêm 2 đứa con và vợ. Mênh mông, thăm thẳm, mệt mỏi, vật vờ…". Và BĐ này cũng chỉ biết than: "Thôi đành vậy, biết nói gì đây...".
Khách hàng ám ảnh tình trạng delay chuyến bay
Công bằng cho hành khách
Bao giờ hết cảnh máy bay bị delay? Đó là câu hỏi chung của nhiều BĐ nhưng câu hỏi này xem ra "khó trả lời". "Tôi đến làm thủ tục bay chậm 2 phút, khỏi năn nỉ gì hết, đành phải mua vé chuyến sau, tốn một đống tiền. Trong khi máy bay delay liên tục thì chỉ có cái tin nhắn "xin lỗi" rồi thôi. Không biết đã có hành khách nào nhận được bồi thường do chậm chuyến, hủy chuyến chưa? Chứ tôi nghe nói mức bồi thường cho mỗi hành khách với chuyến bay nội địa bị chậm, hủy chuyến chỉ từ 200.000 - 400.000 đồng. Như vậy có công bằng cho hành khách không?", BĐ Quang Nguyễn cho biết.
BĐ Phu Nguyen thì nhận xét: "Nhìn quanh thấy người tiêu dùng ở VN mình là thiệt thòi đủ kiểu. Công tác hậu mãi của các nhà cung ứng dịch vụ hàng hóa gần như chỉ có trên giấy hoặc quảng cáo chứ thực tế áp dụng thì thiệt thòi luôn nghiêng về phía người tiêu dùng, thiếu sự công bằng cũng như thiếu sự hỗ trợ của các cơ quan".
"Vẫn biết ngành hàng không đang nhiều gặp khó khăn vì thiếu máy bay, phải điều chỉnh lịch bay, nhưng phải nhanh nhanh khắc phục, phải có giải pháp căn cơ để hạn chế thấp nhất việc delay", BĐ Thanh Hung ý kiến.
Bình luận (0)