Từ cuốc taxi 8 km từ sân bay Tân Sơn Nhất về Q.1, TP.HCM bị đòi 1,2 triệu đồng; cuốc xích lô 5 phút giá 2,9 triệu đồng; bữa cơm ở Nha Trang giá 9 triệu đồng và mới đây nhất, bữa cơm trưa bình dân của gia đình anh Sầm Ngọc Đức, đội trưởng CLB TP.HCM, bị “chặt chém” 2,2 triệu đồng... đã gây nên làn sóng bức xúc, phẫn nộ trong cộng đồng.
Việc “chặt chém” không chỉ đối với du khách quốc tế mà ngay cả đối với khách du lịch nội địa. Thậm chí còn có cả “liên minh” từ xe ôm, taxi, cò khách sạn, nhà hàng đến đối tượng bảo kê để tính giá dịch vụ “cắt cổ” mà du khách phải “ngậm đắng nuốt cay” móc hầu bao.
Mặc dù pháp luật đã chế tài rất cụ thể hành vi “chặt chém” (Nghị định 49/2016/NĐ-CP) với quy định phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng, đồng thời buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết... Thế nhưng, tình trạng này vẫn tồn tại với biểu hiện tinh vi hơn, hoạt động có tổ chức và “lách luật” hơn.
Việt Nam được đánh giá là một trong những “điểm đến của thế giới” khi du lịch Việt Nam xếp thứ 63/140 nền kinh tế. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam xếp thứ 4 trong khu vực ASEAN. Ngành du lịch đóng góp 9,2% vào GDP và tạo ra 2,5 triệu việc làm. Riêng năm 2019, tổng thu từ khách du lịch đạt 32,8 tỉ USD.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã “giáng một đòn mạnh” làm ngành du lịch lao đao. Các chỉ tiêu đều giảm sút trong 7 tháng đầu năm 2020. Du khách quốc tế đến Việt Nam giảm 62,4% so với cùng kỳ 2019, khách nội địa giảm 36%, tổng thu từ khách du lịch giảm 48,4% (chỉ đạt 207.800 tỉ đồng). Trong khi ngành du lịch và các địa phương đang cố gắng “gượng dậy” sau đại dịch, nhiều chương trình kích cầu được kích hoạt... thì tình trạng “chặt chém”, nâng giá dịch vụ vô tội vạ như một “cú đánh bồi” vào niềm tin vốn rất mong manh của du khách.
Du lịch là dịch vụ cung cấp cho khách hàng những cảm xúc, sự trải nghiệm... Lối làm ăn gian dối, “bóc ngắn cắn dài”, “chặt chém” của một số nhà hàng, cơ sở lưu trú như những “con sâu làm rầu nồi canh”. Tình trạng này làm méo mó hình ảnh, thương hiệu của điểm đến, dẫn đến nhiều du khách đã một đi không trở lại.
Để ngăn chặn tình trạng “chặt chém”, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng các giải pháp đã có như tuyên truyền nâng cao nhận thức, chế tài xử phạt, công bố “danh sách đen” các cơ sở “chặt chém”, kích hoạt đường dây nóng, thậm chí thành lập đội phản ứng hiện trường về du lịch... cũng chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề. Nên chăng, bên cạnh việc phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương thì rất cần xây dựng một “bộ tiêu chí chấm điểm quản trị và phát triển du lịch” cho các tỉnh thành, tương tự như “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI”.
Có như vậy mới mong phát triển được thương hiệu bền vững và hình thành được những điểm đến thân thiện “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.
Bình luận (0)