Cầm giấy hẹn nhưng trung tâm đóng cửa
Gần đây, không ít trường hợp người dân mua xe mới và có giấy hẹn nhận kết quả kiểm định nhưng trung tâm đăng kiểm (TTĐK) sau đó bất ngờ bị đóng cửa khiến chủ xe lâm vào cảnh hoang mang.
Anh T.K.H, ngụ tại Q.4 (TP.HCM), phản ảnh: "Cuối năm 2022, tôi có mua một chiếc xe mới và đã tiến hành thủ tục kiểm định tại TTĐK 29-16D (Hà Nội), nơi này đã cấp giấy hẹn lấy kết quả cho xe của tôi. Tuy nhiên, chỉ mấy ngày sau thì trung tâm này bị đóng cửa và niêm phong, tôi không thể liên hệ được với bất cứ ai ở đây".
Anh Nguyễn Tuấn Ngọc, ngụ tại Hà Nội, cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Anh Ngọc kể: "Tôi mới mua một chiếc ô tô 16 chỗ và đi làm thủ tục đăng ký xe trước và nhận được giấy hẹn trả giấy đăng ký xe của công an, trong thời gian đợi lấy giấy đăng ký xe, tôi mang xe đi đăng kiểm. Sau khi kiểm định, chiếc xe đạt tiêu chuẩn cấp giấy chứng nhận kiểm định. Thông thường, nếu qua kiểm định, xe sẽ được trả sổ đăng kiểm ngay nhưng trường hợp xe mới, TTĐK chỉ trả giấy hẹn đến khi có giấy đăng ký xe. Sau một thời gian, tôi quay lại TTĐK để lấy sổ thì mới biết trung tâm bị niêm phong, chỉ có mỗi bảo vệ trực".
Đối với những trường hợp này, Cục Đăng kiểm khuyến cáo những chủ xe đã có giấy hẹn lấy giấy chứng nhận đăng kiểm tại các TTĐK đang đóng cửa do sai phạm thì tiếp tục đến những trung tâm này để lấy giấy chứng nhận vì ở đây vẫn có nhân viên nghiệp vụ trực để thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, thực tế có nhiều TTĐK đóng cửa và dán cả niêm phong, không có người trực.
Với trường hợp này, trên các diễn đàn về giao thông cũng chia sẻ rất nhiều câu chuyện tương tự. Anh N.Q.B., quản trị viên một diễn đàn lớn về xe hơi, nhận định: "Giấy hẹn không thay thế được giấy đăng kiểm nên nếu xe đang lưu thông gặp những trường hợp va quẹt sẽ không được bên bảo hiểm chấp nhận. Hơn nữa, vì là giấy hẹn nên không có căn cứ pháp lý để chứng thực chất lượng xe mặc dù xe mới mua, không đủ các loại giấy thì công an vẫn có quyền phạt. Giải pháp khả thi nhất là phải đi đăng kiểm lại nhưng như vậy lại rất mất công và tốn thêm tiền".
Trả lời Thanh Niên, ông Huỳnh Văn Thiệt, Giám đốc TTĐK 50-02S (TP.HCM), chia sẻ: "Những trường hợp xe mới mua chưa kịp lấy giấy kiểm định mà TTĐK đã bị đóng cửa vì các lý do khác nhau thì chủ xe có quyền đi đăng kiểm lại ở một địa điểm khác. Tuy nhiên, do có nhiều xe mua trước thời điểm Thông tư 02 được ban hành nên thời hạn kiểm định sẽ được áp dụng theo các quy định trước đó".
Nan giải xử lý slot "ảo"
Theo ông Thiệt, tình hình hoạt động tại TTĐK 50-02S từ sau kỳ nghỉ lễ đến nay vẫn ổn định, trung tâm đang tập trung giải quyết những giấy hẹn được phát trước đây nên chưa xử lý đến các lịch hẹn áp đăng ký trên ứng dụng (app TTDK). Mỗi ngày TTĐK 50-02S kiểm định từ 190 - 200 xe/ngày dù công suất tối đa là 240 xe/ngày, số lượng chênh lệch thì để dành ưu tiên cho những xe đã kiểm định rớt hôm trước khắc phục lỗi xong quay trở lại.
Ông Thiệt chia sẻ: "Mấy ngày nay thông qua báo chí có nghe nói đến việc Cục Đăng kiểm khuyến cáo các tài khoản đăng ký suất đăng kiểm ảo, nhưng TTĐK chúng tôi chưa xử lý đến các lịch hẹn qua app nên chưa đánh giá được tình trạng như thế nào. Thực tế ngay cả giấy hẹn viết tay thì nhiều chủ xe cũng không đến đúng lịch và phải hủy bỏ rất nhiều. Có thể là do TTĐK bị gián đoạn hoạt động một thời gian nên họ chủ động đăng ký qua các trạm khác".
Theo ghi nhận thực tế, đến hôm qua (8.5) những tài khoản đã đăng ký trước đó vẫn có thể thực hiện việc đặt chỗ "ảo" mà không cần khai báo số tem, số máy, điều này dẫn đến tình trạng một chủ xe có thể đăng ký nhiều slot tại các TTĐK khác nhau, khiến cho các TTĐK luôn thông báo tình trạng "đã đầy".
Mới đây, bộ phận quản trị kỹ thuật của ứng dụng TTĐK (thuộc Cục Đăng kiểm) đã có thông báo gửi đến các chủ xe, chủ phương tiện về việc khuyến cáo cập nhật số tem của giấy kiểm định và ngày hết hạn đăng kiểm trên ứng dụng này. Cụ thể, app TTDK ghi nhận được tình trạng "cò mồi" câu kết để "làm luật" đăng kiểm nhanh nhằm trục lợi, gây ra tình trạng đặt lịch "ảo", chiếm chỗ của những xe đang hết hạn đăng kiểm. Đội ngũ quản trị sẽ rà soát, đối chiếu dữ liệu của người dùng cung cấp và dữ liệu trong hệ thống đăng kiểm. Việc này sẽ dẫn đến các lịch hẹn có thể bị từ chối do nghi ngờ lịch đặt của bên môi giới nếu các chủ xe không nhập đầy đủ.
Đối với câu hỏi khi nào thì "người dân đi đăng kiểm sẽ hết khổ vì cảnh ùn tắc?", đại diện Cục Đăng kiểm cho biết số lượng phương tiện hiện tại đến kỳ kiểm định nhưng chưa được kiểm định khoảng 800.000 xe; số lượng phương tiện phải kiểm định trong 6 tháng tới khoảng 1,7 triệu xe. Như vậy, tổng số lượng phương tiện cần được kiểm định trong 6 tháng khoảng 2,5 triệu xe. Trong khi đó, năng lực kiểm định của 241 TTĐK với 384 dây chuyền đang hoạt động khoảng 550.000 xe mỗi tháng. Nên để giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng, ùn tắc thì theo tính toán phải cần ít nhất 6 tháng để kiểm định hết số lượng phương tiện nêu trên (chưa kể trường hợp phương tiện phải kiểm định lại). Đặc biệt là khu vực Hà Nội và TP.HCM có mật độ phương tiện cao nên sẽ phải lâu hơn.
Để giải quyết nhanh chóng tình trạng này, Cục Đăng kiểm đã báo cáo Bộ GTVT về đề xuất áp dụng ngay việc giãn chu kỳ kiểm định theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT đối với ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải đã được cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định, mà không phải đưa xe đến kiểm định lại.
Về cách thức giãn chu kỳ kiểm định, Cục Đăng kiểm VN cho biết căn cứ thời hạn trên giấy chứng nhận và tem kiểm định đã được cấp, cơ quan quản lý nhà nước về đăng kiểm sẽ có văn bản điện tử xác nhận thời hạn kiểm định lần tới cho xe mà không phải cấp lại tem, giấy chứng nhận kiểm định và chủ xe không phải đưa xe đến TTĐK để thực hiện kiểm định lại. Nếu giải pháp này được thông qua, tình trạng ùn tắc có thể giảm xuống còn khoảng hơn 1 tháng tính từ thời điểm áp dụng, thay vì 6 tháng như tình hình hiện nay.
Bình luận (0)