Bao giờ mới hết cảnh rác ngập làng nghề, dân khốn khổ vì ô nhiễm?

20/05/2024 09:58 GMT+7

Hàng nghìn làng nghề trên khắp cả nước đã góp phần không nhỏ trong việc tái sinh phế liệu và tạo sinh kế cho người lao động. Tuy nhiên, với hình thức tự phát, công nghệ lạc hậu nên nhiều nơi bị ô nhiễm môi trường nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe...

Sống “nhờ” rác nhưng cũng khổ vì rác

Nghề thu gom và tái chế phế liệu dần hình thành và phát triển ở nước ta cách đây vài chục năm. Nhờ vậy, hàng nghìn làng nghề trên khắp cả nước góp công lớn trong việc tái sinh phế liệu, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn người lao động. Bên cạnh những mặt tích cực khi mang lại lợi ích kinh tế, cải thiện đời sống, những làng nghề này vẫn ngày ngày hủy hoại môi trường, ảnh hưởng cuộc sống người dân trong chính làng nghề và khu vực lân cận.

Nhựa chất thành đống tại lán trại của một hộ dân trong thôn Xà Cầu

Nhựa chất thành đống tại lán trại của một hộ dân trong thôn Xà Cầu

MINH PHƯƠNG

Ghi nhận của Thanh Niên tại thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, H.Ứng Hòa) - "thủ phủ" với nghề thu mua và sơ chế rác thải nhựa lớn nhất thủ đô. Theo ước tính, trong thôn có khoảng 170 - 180 hộ dân làm nghề tái chế. Từ thôn quê nổi tiếng với nghề làm hương đen truyền thống, nay phần lớn các hộ gia đình đã chuyển sang mô hình thu gom và sơ chế chất thải nhựa.

Theo người dân địa phương, các công đoạn như làm sạch, xay tạo hạt… đều trực tiếp xả thải ra nguồn nước, gây ra ô nhiễm. Nhiều rác thải khó tái chế như vỏ nhãn mác chai nhựa, đồ gia dụng, xốp… được chất thành đống mỗi ngày, sau đó được xử lý bằng cách đốt, chôn lấp hoặc vứt thẳng ra bờ sông, đường phố.

Túi rác không thể phân loại bị vứt thẳng xuống ao, mương, bốc mùi khó chịu

Túi rác không thể phân loại bị vứt thẳng xuống ao, mương, bốc mùi khó chịu

MINH PHƯƠNG

Đặc biệt, những người làm nghề tái chế luôn có sự đề phòng với những câu hỏi liên quan đến ô nhiễm bởi quan điểm của họ là "ô nhiễm nhưng có tiền".

Cũng tái chế nhựa giống Quảng Phú Cầu, làng Đông Mẫu (xã Yên Đồng, H.Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) được mệnh danh là làng "băm nhựa" bởi có hơn 80% số hộ làm nghề liên quan tới tái chế phế liệu, nhựa. 

Nghề tái chế nhựa đem lại lợi nhuận lớn cho người dân nơi đây bởi đi dọc ngôi làng những nhà cao tầng, biệt thự "mọc lên" san sát. Sống "nhờ" rác là vậy nhưng cuộc sống của người dân nơi đây cũng không sung sướng bởi mùi nhựa nồng nặc và ô nhiễm nguồn nước trầm trọng. Điều đáng lo ngại nhất là một số người dân Đông Mẫu vẫn giữ thói quen sử dụng nước giếng khoan, tiềm ẩn nguy cơ cao nhiễm các hạt vi nhựa.

“Mùi khó chịu lắm, nhưng đây là còn đỡ rồi đấy. Đi sâu vào trong chỗ xay nhựa mới biết thế nào là khó thở, nồng nặc”, một người phụ nữ trùm kín mặt ngồi băm nhựa nói.

Nhà cao tầng khang trang mọc sau bãi rác ở làng Đông Mẫu

Nhà cao tầng khang trang mọc sau bãi rác ở làng Đông Mẫu

MINH PHƯƠNG

Một người lao động khác chia sẻ, mỗi ngày, chị được chủ cơ sở tái chế trả công 400.000 - 500.000 đồng, tính nhẩm, mỗi tháng kiếm được 12 - 15 triệu đồng.

"Mùi nhựa kinh khủng nhưng tôi làm nghề này 10 năm chưa gặp bệnh gì. Tôi cũng biết một số người mắc bệnh hiểm nghèo, nhiều người phải bỏ ngang nhưng tôi cũng không biết làm thế nào, công việc này giúp tôi có tiền để chăm lo cho gia đình", chị nói.

Không chỉ 2 ngôi làng trên, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề như làng tái chế nhôm Mẫn Xá (xã Văn Môn, H.Yên Phong, Bắc Ninh); làng tái chế giấy Phong Khê (P.Phong Khê, TP.Bắc Ninh); làng tái chế nhựa Như Quỳnh (TT.Như Quỳnh, H.Văn Lâm, Hưng Yên)... cũng rất nghiêm trọng.

Chưa có lời giải

Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề ô nhiễm tại các làng nghề, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng thư ký Mạng lưới Nhựa và sức khỏe (IHA) cho biết, vài năm trở lại đây, nhiều địa phương đã cố gắng định hướng làng nghề để sản xuất, trở thành cụm công nghiệp làng nghề. Tuy nhiên, vấn đề về ô nhiễm chỉ giảm được phần nào do phần lớn các hộ kinh doanh đang sử dụng công nghệ, trang thiết bị không đạt chuẩn.

Theo ông Vinh, để cân bằng được cán cân giữa việc ngăn chặn ô nhiễm môi trường song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề tái chế vẫn là câu hỏi khó, cần nhiều thời gian để nghiên cứu.

Bao giờ mới hết cảnh rác ngập làng nghề, dân khốn khổ vì ô nhiễm?- Ảnh 4.

Đoạn sông ở TT.Như Quỳnh đổ ra Bắc Hưng Hải bị bóp nghẹt vì nước thải ô nhiễm và rác

VÂN ANH

"Tôi nghĩ, cần 3 hướng tiếp cận để đạt được hiệu quả. Đầu tiên, đó là nâng cao nhận thức của các hộ sản xuất trong làng nghề, giúp họ hiểu rằng việc tái chế về lâu dài có ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường xung quanh. Thứ hai, giúp các hộ tái chế tiếp cận nguồn hỗ trợ đầu tư ban đầu để thay đổi công nghệ, từ đó giảm thiểu ô nhiễm. Cuối cùng, phải có cơ chế thúc đẩy để chuyển đổi từ quy mô tự phát thành doanh nghiệp, giúp họ tham gia vào hệ thống tái chế chất thải theo quy định của luật Bảo vệ môi trường", ông Đức Vinh nói.

Nói về thực trạng tái chế rác thải không được thực hiện 100% gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường từ các làng nghề, ông Vinh cho rằng, nguyên nhân chính xuất phát từ cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, hệ thống phân loại rác thải tại nguồn chưa được thực hành ở tất cả các địa phương. Vì vậy, việc chôn lấp vẫn diễn ra vì lượng rác quá lớn, không thể xử lý được. 

"Cần phải có chế tài nghiêm khắc về việc này thì mới thay đổi được nhận thức của người dân, nếu chỉ dừng ở khuyến khích thì rất khó", ông Vinh nhấn mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Huy (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, người dân sống trong hoặc gần khu vực không khí ô nhiễm dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như khó thở, viêm phổi. Nếu sống lâu trong thời gian dài sẽ gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nặng hơn nữa là mắc bệnh ung thư.

"Chất thải từ làng nghề xả thẳng vào nguồn nước chung, sẽ quay trở về vòng tròn sinh hoạt, gây ra các bệnh về da, đường tiêu hóa. Ngoài ra, những căn bệnh về tâm lý cũng cần lưu tâm khi con người sống trong môi trường có chất lượng không tốt", vị bác sĩ nhấn mạnh.

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, có 60% trên tổng số gần 5.000 làng có nghề trên toàn quốc tập trung tại các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Riêng Hà Nội, kết quả thống kê cho thấy Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Với động lực của thị trường, các làng nghề hiện nay không còn là "làng nghề" thủ công theo đúng nghĩa truyền thống của nó, mà biến đổi thành các loại hình công nghiệp gây ô nhiễm địa bàn nông thôn, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Thời gian qua, Bộ TN-MT thường xuyên phối hợp với Bộ NN-PTNT theo dõi, đôn đốc các địa phương xử lý triệt để ô nhiễm tại các làng nghề ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng.

Cạnh đó, giám sát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề (như làng nghề Phong Khê đã được Bộ TN-MT thành lập tổ giám sát định kỳ) và điểm nóng về môi trường như làng nghề Mẫn Xá...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.