Bao giờ mới hết những tai nạn như thế này ?

19/04/2021 05:36 GMT+7

Thêm một vụ tai nạn giao thông có liên quan đến xe ba gác chở cồng kềnh khiến rất nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên cảm thấy bất an và đặt câu hỏi: Bao giờ mới hết những tai nạn như thế này?

Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 16.4, anh V.K (31 tuổi, ngụ Long An) đang lưu thông trên đường thì va chạm với xe ba gác chở sắt xây dựng. Hậu quả, anh K. bị 11 thanh sắt đâm xuyên chân trái. Người dân phải dùng máy cưa để cắt ngắn 11 thanh sắt, cứu nạn nhân ra khỏi đống sắt trên chiếc ba gác, đưa đến bệnh viện cấp cứu.

“Ra đường lại sợ”

Nhìn thấy hình ảnh rùng mình về chùm thanh sắt cắm xuyên qua chân nạn nhân, bạn đọc (BĐ) Anh Huỳnh thốt lên: “Thực sự giờ ra đường lại sợ ông ba gác chạy ẩu nhất!”. Cùng ý kiến, BĐ Robin nêu: “Xe ba gác chở sắt, tôn, cửa cuốn, kính cường lực... đi nghênh ngang nhưng CSGT chưa xử lý nghiêm nên tai nạn đáng tiếc vẫn còn xảy ra”.

 Rất nhiều lần CSGT ra quân kiểm tra không cho xe ba gác chở cồng kềnh tham gia giao thông để bảo đảm an toàn, chống ùn tắc, nhưng khi hết tháng chuyên đề kiểm tra thì đâu lại vào đấy.   

Lam

Nhận xét về hiểm họa tai nạn giao thông tiềm ẩn từ những chiếc xe ba gác, xe tự chế chở cồng kềnh vẫn được gọi là “máy chém trên đường”, BĐ Trà Ly hỏi: “Nhiều nơi đã có lệnh cấm từ lâu nhưng sao vẫn thấy loại phương tiện này còn lưu thông?”.
Từ lẽ trên, BĐ Trần Như Phương đề nghị với những khu vực đã có quy định cấm lưu thông thì: “Cơ quan chức năng ra quân tịch thu, tiêu hủy xe ba gác luôn đi, vì sự an toàn của người dân tham gia giao thông. Nó quá nguy hiểm khi chở sắt, chở tôn... Không viện cớ mưu sinh nữa. Cứ để như hiện nay thì bao giờ mới hết những tai nạn thương tâm như thế này?”.
Bao giờ mới hết những tai nạn như thế này ?

Nạn nhân bị 11 thanh sắt đâm xuyên chân trái sau khi va chạm với xe ba gác chở sắt xây dựng

Ảnh: BVCC

Quy định có rồi, cứ làm nghiêm thôi

Tuy nhiên, nhiều BĐ lại cho rằng đây là vấn đề cần phải giải quyết ở nhiều khía cạnh. BĐ hu***@yahoo.com nêu ý kiến: “Trong điều kiện hiện tại, nếu nhà bạn trong hẻm, khi xây nhà mà không có các xe này thì sẽ rất khó khăn, giá vận chuyển vật liệu xây dựng sẽ khá cao, khi đó bạn có nghĩ lại không? Có giải pháp khác không?”.
Tán thành, BĐ Luu Huong So cho rằng không thể đổ hết lỗi cho xe ba gác, vì “loại xe nào cũng có nguy cơ gây tai nạn. Vấn đề là ở các tài xế và người tham gia giao thông không quan sát kỹ, chở hàng sai quy cách và chạy ẩu”.

Theo tôi, câu chuyện ở đây là ý thức an toàn quá kém. Ý thức tham gia giao thông an toàn quyết định tất cả chứ không phải loại hình vận tải. 

Minh Tan Tran

Không đồng ý với lập luận của Luu Huong So, BĐ hoang huu lưu ý rằng đã có các quy định cụ thể về việc xe ba gác, ba gác máy, xe tự chế không đảm bảo để vận chuyển hàng hóa trong đô thị. Ngành GTVT đã “siết” loại phương tiện này, cấm lưu thông ở nhiều khu vực, nhiều khung giờ, song song với việc khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện, chuyển đổi nghề. Vì vậy, để triệt tiêu các nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, chính là tuân thủ nghiêm các quy định nêu trên.
“Xích lô, xe ba gác là hung thần đường phố khi chở hàng cồng kềnh, đặc biệt là tôn sắt, sắt xây dựng. Tiếc là việc kiểm tra xử lý không triệt để, đến khi xảy ra sự việc mới xem xét...”, BĐ hoang huu nhận xét.

Chuyện mấy ông ba gác chở cồng kềnh nói hoài, cả chục năm dẹp không được, không hiểu vì sao luôn. 

Opla Bobo

Nhiều BĐ cũng đề nghị cơ quan chức năng “cứ làm nghiêm thôi” vì thực tế cho thấy một khi CSGT kiên quyết xử lý, liên tục xử lý, thì người dân sẽ nhanh chóng chấp hành, mà câu chuyện xử lý người uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông theo Nghị định 100 là minh chứng hùng hồn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.