Như Thanh Niên đã phản ảnh, từ đầu tháng 9.2023, mật độ phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường ở TP.HCM trở nên đông đúc khi học sinh (HS) các cấp bắt đầu năm học mới. Nhiều tuyến đường quay lại tình trạng ùn ứ, kẹt xe, người dân di chuyển khó khăn, nhất là khi qua các điểm trường, các tuyến đường có nhiều trường học.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Quang Khánh (bảo vệ dân phố, khu phố 1, P.12, Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết ông thường xuyên hỗ trợ điều tiết, phân luồng giao thông tại giao lộ Trường Chinh - Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình), gần cổng Trường THCS Ngô Quyền. "Lý do kẹt xe thì nhiều lắm, xe đông, dồn vào điểm trường. Việc nhiều phụ huynh (PH) đậu xe dưới lòng đường khi đưa rước HS cũng dẫn đến ùn tắc, kẹt xe…", ông Khánh nói.
Nỗi ám ảnh kẹt xe mỗi lần đưa, rước HS đối với nhiều bậc PH đã trở thành câu chuyện "phải chịu đựng".
Đưa đón con em bằng phương tiện công cộng được không?
Nhận xét về "nỗi niềm kẹt xe mỗi ngày đến trường cứ đến hẹn lại lên", bạn đọc (BĐ) Minh Nghĩa nêu: "Bao năm rồi vẫn vậy, nhiều lúc PH cứ nhẫn nại đến mệt mỏi đưa, rước con cái. Tôi nhớ rõ dư luận từng nhiều lần bàn bạc về câu chuyện này, thậm chí từng có kế hoạch về việc giờ giấc đến trường của HS "lệch pha" với giờ hành chính để giải quyết. Thế nhưng đâu lại vào đấy".
BĐ Van Dong Nguyen cũng nhắc lại: "Trước đây quy định HS đi học sớm thì đường ít bị kẹt vì PH chở con đi học sớm rồi vào chỗ làm sớm. Còn bây giờ thì đường kẹt khắp nơi vì giờ đi học cũng trùng với giờ đi làm".
Tuy nhiên, việc bố trí lệch pha giờ học, giờ làm không phải là giải pháp rốt ráo. BĐ Bích Nga nêu ý kiến: "Câu chuyện này khó giải quyết bằng việc điều chỉnh giờ học. Trước đây cũng có nhiều ý kiến phản đối khi nhà trường điều chỉnh giờ học lệch pha với giờ PH đi làm đấy thôi".
Nếu việc điều chỉnh giờ đến trường khó có được một phương án dung hòa, đầy đủ các nhu cầu, thì còn cách nào để giải quyết nỗi ám ảnh kẹt xe của các bậc PH trên đường đưa, rước con em mình ? BĐ Manh Trung Vo đề xuất giải pháp: "Nên chăng tổ chức xe đưa đón tận trường cho HS cấp 1, cấp 2. Nhà nước sẽ trợ giá như với xe buýt và chỉ đạo nhà trường tổ chức đưa đón, đảm bảo an toàn, để PH mạnh dạn, an tâm gửi con đi học bằng phương tiện công cộng nhằm giải tỏa bớt áp lực giao thông trên đường giờ cao điểm".
Cần sự chung tay của cả xã hội
Theo đại diện Phòng CSGT Công an TP.HCM, để đảm bảo tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn khi HS bắt đầu năm học mới, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, điều hòa giao thông tại các giao lộ trọng điểm và đặc biệt là các điểm trường; hướng dẫn các PH đỗ xe, cũng như đưa rước con em một cách an toàn và không gây cản trở giao thông; phát tờ rơi tuyên truyền để PH tham gia giao thông an toàn…
Mặc dù vậy, tình trạng ùn tắc, kẹt xe trong khung giờ đưa rước HS không dễ giải quyết vì nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố. BĐ Trường Lưu phân tích: "Vì mật độ, vì một lô cốt công trình, một tai nạn giao thông, xe chết máy…; xa hơn là vì quy hoạch hạ tầng, ý thức giao thông, nhu cầu cho con cái học trường tốt, trường tiện đưa đón...".
Chính vì rất nhiều nguyên nhân, BĐ Thuan Tu cho rằng để giải quyết nạn kẹt xe, ùn tắc không thể là câu chuyện của riêng mỗi gia đình hay mỗi trường học: "Không thể chỉ trông chờ vào việc kêu gọi ý thức giao thông hay sự tự sắp xếp của từng gia đình, mà cần nhiều giải pháp tổng thể từ các cơ quan quản lý".
Những chuyện thế này là trách nhiệm của cơ quan nào thì cần xắn tay áo vào giải quyết cho người dân.
NCT
Lệch ca, lệch giờ có tác dụng rất nhỏ trong mục tiêu chống ùn tắc giao thông, vì gây tắc đường có rất nhiều nguyên nhân.
Ta Huu Quang
Quan trọng là phải bố trí hợp lý các cơ quan hành chính, hạn chế cấp phép cơ sở kinh doanh tại nội thành, di dời hết cơ sở sản xuất ra ngoại thành.
Trần Minh Thành
Bình luận (0)