Đường nào cũng cấm đậu nhưng không có chỗ giữ xe
Trưa thứ ba (7.2), gần 20 chiếc ô tô nối đuôi nhau đậu hàng dài ngay gần biển cấm trên đường Alexandre de Rhodes và đường Hàn Thuyên (Q.1). Nằm trong "top" những tuyến đường đẹp nhất TP, vây quanh là hàng loạt quán cà phê lớn, nhỏ nên khu vực này là điểm ngắm để xe của rất nhiều "tín đồ" cà phê. Tuy nhiên, do mặt đường nhỏ, kết nối với các trục đường xương sống quan trọng như đường Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa nên Sở GTVT cấm đậu, đỗ xe để tránh gây ùn tắc, ảnh hưởng lớn tới hệ thống giao thông toàn TP.
Rất nhiều tuyến đường tại khu vực trung tâm TP cũng đang trong tình trạng tương tự. Cũng vì không có bãi giữ xe nên ô tô phải "mượn" hết lòng đường, thậm chí cả vỉa hè để làm chỗ đậu. Những tuyến đường nhỏ ở khu vực Q.3 như đường Trương Định, Nguyễn Thị Diệu, Tú Xương, Hồ Xuân Hương, Lê Quý Đôn… bất kể giờ nào cũng thấy xe lớn, xe nhỏ chiếm hết cả làn đường cho tới leo lên vỉa hè. Xe đông, đường nhỏ còn bị chiếm dụng, đường phố cứ hầm hập ùn ứ cả ngày lẫn đêm. Mỗi khi đường phố ùn tắc, kẹt xe do ô tô đậu, đỗ tràn lan, người tham gia giao thông lại bức xúc yêu cầu lực lượng thanh tra, cảnh sát giao thông phải tăng cường tuần tra, xử phạt những trường hợp đậu, đỗ xe không đúng nơi quy định. Thế nhưng việc tìm đỏ mắt không có bãi đậu xe cũng khiến không ít khổ chủ thường xuyên... đậu liều. Song song đó là các bãi đậu thu phí lụi lấn chiếm lòng lề đường, tự định giá thu phí...
Từ tháng 8.2018, TP.HCM áp dụng thu phí đậu xe dưới lòng đường tại 23 tuyến đường, đến nay giảm còn 20 tuyến đường như: Lê Lợi, Hai Bà Trưng, An Dương Vương, Lê Hồng Phong, Trương Định… Việc thu phí áp dụng công nghệ, tài xế cài đặt ứng dụng My Parking trên điện thoại thông minh để thanh toán, mức thu thấp nhất từ 20.000 - 25.000 đồng/giờ đầu tiên và tăng lũy tiến các giờ tiếp theo. Tuy nhiên, không những không "hạ nhiệt" được tình trạng thiếu trầm trọng bãi đậu xe mà còn xuất hiện thêm vấn nạn tài xế đậu xe không trả phí, chủ hộ kinh doanh chiếm dụng ô đậu xe, thậm chí "đầu gấu" tự ý thu phí đậu xe... gây thất thoát ngân sách. Thậm chí, Sở GTVT TP đã phải có văn bản đề nghị Công an TP xác minh, điều tra và xử lý các hành vi vi phạm, tái diễn và có tính tổ chức của tổ chức, cá nhân trên 9 tuyến đường cho phép đậu xe có thu phí, qua đó hé lộ có những phương tiện vi phạm hơn 700 lần.
Bãi đậu ngầm "chết yểu", xin cơ chế làm bãi xe lắp ghép
Từng quy hoạch hơn 10 bãi đậu xe ngầm trên địa bàn Q.1 trong vòng 15 năm qua nhưng đến nay, tại TP.HCM vẫn chưa có một dự án nào được xây dựng. Nhiều vị trí từng được chọn để quy hoạch bãi đậu xe ngầm đã bị TP hủy bỏ, chỉ còn lại 4 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư kết hợp dịch vụ thương mại và công cộng trong khu vực 930 ha gồm: công viên Lê Văn Tám, công viên Tao Đàn, khu vực Sân khấu Trống Đồng và Sân vận động Hoa Lư nhưng cũng đang lâm vào tình cảnh "rơi rụng dần dần".
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết một số nhà đầu tư bãi đậu xe tại công viên Lê Văn Tám, công viên Tao Đàn và sân Hoa Lư còn gặp khó khăn, vướng mắc nên các sở, ban, ngành đã kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương chấm dứt quyết định đề xuất dự án đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm tại các vị trí này. Riêng tại Sân khấu Trống Đồng, UBND TP đã có Thông báo số 65 giao các sở, ngành khẩn trương hướng dẫn các thủ tục để hỗ trợ Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Song, đến nay dự án vẫn "giậm chân tại chỗ".
Hiện số bãi đậu xe chỉ đáp ứng được khoảng 7% nhu cầu. Vì thế, Sở GTVT TP mới đây đã đề xuất Quốc hội cho phép TP tổ chức triển khai đầu tư các công trình có thời hạn khai thác và sử dụng (tối đa 10 năm), không xem xét yếu tố phù hợp về quy hoạch, tại các khu đất hiện hữu chưa có kế hoạch triển khai đầu tư theo quy hoạch đã được phê duyệt nhằm gỡ khó cho các công trình nhà đỗ xe cao tầng lắp ghép mà Sở GTVT TP đang nghiên cứu triển khai. Cụ thể, Trung tâm quản lý giao thông công cộng đang được giao lập phương án thí điểm trên đường Lê Lai (Q.1) theo 2 phương án. Với phương án 1, bãi xe được đầu tư, lắp 4 mô đun đỗ ô tô dạng xoay tròn, quy mô 48 xe; cùng một mô đun đỗ xe máy với quy mô 80 xe. Vị trí làm bãi xe là một phần thuộc khu vực thu phí đỗ ô tô hiện nay. Trong đó, Công ty TNHH MTV DVCI Thanh niên xung phong sẽ tiếp nhận phạm vi còn lại để tiếp tục quản lý, thu phí ô tô đến đậu. Phương án 2, bãi xe cũng được đầu tư, lắp 4 mô đun đỗ ô tô dạng xoay tròn với quy mô 48 xe; cùng một mô đun đỗ xe. Vị trí bãi sử dụng toàn bộ khu vực đang tổ chức đỗ xe có thu phí trên đường Lê Lai.
Sở GTVT TP.HCM đánh giá các bãi đậu xe thông minh lắp ghép không tốn quá nhiều diện tích, ưu điểm là chi phí thấp hơn so với các bãi đỗ xe ngầm đã được quy hoạch, lắp đặt dễ dàng, nhanh chóng và có thể tăng số lượng vị trí đỗ bằng cách lắp ghép các block đỗ xe lại với nhau. Ngoài ra có thể di chuyển cả hệ thống sang một khu vực khác mà không mất quá nhiều công sức và thời gian. Công trình có thể bố trí tại các vị trí trên đất của đường bộ, đất công viên hoặc đất quy hoạch xây dựng công trình công cộng nhưng chưa thực hiện dự án, chưa khai thác hết công năng.
"Nếu được tạo cơ chế và hành lang pháp lý, các nhà đậu xe cao tầng lắp ghép sẽ giải quyết phần nào nhu cầu đỗ xe của người dân, doanh nghiệp tại khu vực trung tâm TP, góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông, tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đồng thời khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện có", lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM nhận định.
TP.HCM muốn "đòi" lại vỉa hè
Sở GTVT vừa trình UBND TP về việc rà soát hiện trạng hạ tầng giao thông đường bộ để xây dựng đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố.
Trong dự thảo có quy định nội dung về 7 trường hợp sử dụng tạm thời một phần hè phố phải đóng phí gồm: Điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; Điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền sử dụng; Điểm lắp đặt các công trình tạm, các trụ quảng cáo tạm; Tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội); Điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; Điểm trông, giữ xe có thu phí. Bên cạnh đó là 3 trường hợp sử dụng tạm thời một phần lòng đường phải đóng phí gồm: Tổ chức các hoạt động văn hóa và điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa có thu tiền sử dụng; Điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; Bố trí điểm trông, giữ xe có thu phí.
Song song, Sở GTVT sẽ rà soát hiện trạng hạ tầng giao thông đường bộ để xây dựng đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố. Sở GTVT đề nghị các Ban quản lý khu đô thị, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện rà soát, cung cấp danh mục các tuyến đường dự kiến đáp ứng điều kiện để tổ chức các hoạt động sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.
Bình luận (0)