Một bài viết trên mạng xã hội của một du khách đã miêu tả cảnh voi nhà ở Đắk Lắk vất vả cõng khách du lịch, mỗi nài voi cầm theo trên tay một cây gậy có móc sắt dùng móc vào đầu, tai voi để điều khiển hướng đi khiến đầu con voi nào cũng chằng chịt vết thương mới và cũ…
Sau khi xuất hiện thông tin trên, Trung tâm bảo tồn voi - cứu hộ động vật - quản lý bảo vệ rừng thuộc Sở NN-PTNT Đắk Lắk đã xác minh và có báo cáo dẫn lời chủ voi cho rằng không có hành vi bạo hành với voi mà voi chảy máu do bị cây rừng đâm vào tai trong khi di chuyển từ rừng về trung tâm du lịch.
Cưỡi voi lâu nay được xem là sản phẩm du lịch “đặc trưng” ở Đắk Lắk |
TRUNG CHUYÊN |
Câu chuyện nói trên khiến chúng tôi nhớ lại, vào thập niên 1980, voi nhà ở Đắk Lắk có số lượng hơn 500 con. Thế nhưng hiện nay giảm còn 40 con. Nhiều voi nhà chết được cho do bị khai thác làm du lịch đến kiệt sức. Với đà suy giảm này, viễn cảnh không còn voi nhà ở Đắk Lắk sẽ nhanh đến nếu không có biện pháp để voi được sớm “nghỉ hưu”, thoát cảnh cõng khách du lịch.
Mới đây, Tổ chức động vật châu Á (AAF) ký kết hợp tác với UBND tỉnh Đắk Lắk về việc xây dựng, triển khai mô hình du lịch sinh thái thân thiện với voi, hướng tới chấm dứt du lịch cưỡi voi cũng như các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi của voi nhà trong du lịch và lễ hội… Tuy vậy, cái khó là hiện chưa có được các nguồn kinh phí bền vững hỗ trợ cho voi, chủ voi. Các chủ voi thì sẵn sàng hợp tác, nhưng để có thu nhập trang trải cuộc sống, chi phí mua thức ăn cho voi, trước mắt họ chưa thể chấm dứt việc dùng voi như công cụ kiếm thu nhập. Trong khi đó lại chưa có quy định nào cấm chủ voi không được cho khách du lịch cưỡi voi.
Cũng có ý kiến băn khoăn tại sao tỉnh Đắk Lắk chỉ trông chờ vào nguồn hỗ trợ từ AAF mà không chủ động phát động một hình thức gây quỹ nào đó, huy động thêm các nguồn lực đóng góp để phục vụ công tác bảo tồn voi, đẩy nhanh thực hiện mô hình du lịch thân thiện với voi?
Bình luận (0)