Bảo hiểm mua dễ khó đòi: Hợp đồng một đường, giải thích một nẻo

10/08/2016 06:25 GMT+7

Một lượng lớn hợp đồng bị hủy bỏ, đại lý bảo hiểm bỏ nghề, lừa tiền khách hàng... khiến nhiều người dè chừng đại lý bảo hiểm.

Nhiều người đang “nhức đầu” vì những cuộc gọi điện thoại quấy rầy từ sáng đến đêm để mời mua bảo hiểm. Chị Kim K. cho biết đang tất bật với công việc mà cứ phải nhận những cuộc điện thoại của đại lý bảo hiểm (ĐLBH) gọi đúng tên mình rồi mời đi hội thảo về sức khỏe có tiệc mặn tại một nhà hàng 5 sao vào cuối tuần. “Một ngày tôi nhận 4 - 5 cuộc điện thoại từ công ty bảo hiểm. Họ đang khủng bố tinh thần chứ không phải là quảng cáo nữa”, chị than phiền.
Tư vấn mập mờ, dội bom điện thoại
Còn chị M.Hoa, sau khi nhận lời tìm hiểu sản phẩm An tâm hưng thịnh của Dai-ichi life, một ngày có đến 7 - 8 cuộc gọi, lúc thì hỏi đọc bảng minh họa quyền lợi chưa, lúc xin cuộc hẹn để giải thích... Tan sở về nhà, 8 - 9 giờ đêm họ vẫn gọi chị liên tục. “Đại lý vừa dội bom điện thoại, vừa đeo bám đến mức tôi sợ, từ chối luôn”, chị nói.
Một trong những lý do khiến ĐLBH ồ ạt bán nhanh, chạy theo lợi nhuận, mập mờ tư vấn là hoa hồng. Mức hoa hồng của ĐLBH được hưởng lên đến 30 - 40% số phí đóng bảo hiểm trong năm đầu tiên và năm thứ hai, sau đó giảm dần còn 5 - 7% trong các năm kế tiếp, nhưng không quá 5 năm. Đây cũng là lý do dẫn đến không ít vụ giả làm ĐLBH để lừa đảo.
Gây rúng động người mua bảo hiểm gần đây là vụ việc Bùi Thị Thu Hằng (Quảng Ninh), nguyên ĐLBH của Prudential, đã bị tuyên án tù chung thân vì đã lừa 230 tỉ đồng trong phiên xử phúc thẩm vào năm 2014. Theo cáo trạng của vụ án, năm 2009 Hằng được Prudential ký hợp đồng làm ĐLBH nhân thọ chi nhánh Quảng Ninh. Hằng đã giả mạo là trưởng phòng kinh doanh, giả làm “giám đốc văn phòng phát triển kinh doanh khu vực Quảng Ninh”, tuyển dụng nhân viên giả làm đại lý của Prudential, sử dụng tên giả mời chào người dân mua lại các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của người mua trước hủy ngang để duy trì tiếp hợp đồng này. Theo đó, khi hết thời hạn hợp đồng (thời hạn 25, 30, 35, 45, 60 hoặc 90 ngày), người mua sẽ được hưởng toàn bộ giá trị hợp đồng và nhận lãi suất khủng 50 - 53%.
Có khoảng 60 người đã đưa tiền cho Hằng không thể đòi lại được. Tòa tuyên Prudential không phải bồi thường cho bị hại, vì kết luận hành vi lừa đảo của bị cáo nằm ngoài hoạt động Prudential, không có hợp đồng lừa đảo nào do Prudential ký trực tiếp với khách hàng thông qua đại lý của Hằng.
Theo một người am hiểu lĩnh vực, đa số ĐLBH đã quảng cáo sai lệch về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, xúi giục người mua bảo hiểm không kê khai chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, gây thiệt hại cho bên mua. Chẳng hạn, gói bảo hiểm chỉ hỗ trợ 35 bệnh hiểm nghèo, nhưng tư vấn rằng hỗ trợ tất cả các bệnh hiểm nghèo. Khi người mua mắc phải bệnh mới xất bất xang bang vì công ty không chi trả. Hay bảo hiểm tai nạn chia ra làm 2 mức độ rủi ro: thương tật tạm thời và thương tật vĩnh viễn. Có một số điều khoản chi trả cho thương tật tạm thời, một số điều khoản khác chi trả cho thương tật vĩnh viễn. Nhưng khi bán, đại lý lập lờ rằng cứ tai nạn là được bồi thường, gây tranh chấp về sau.
Người dân nghi ngại
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia VN (VLAC), nhiều người mua bảo hiểm nhân thọ là để đề phòng những lúc ốm đau, bệnh tật có công ty bảo hiểm đứng ra trả tiền. Nhưng tình trạng phổ biến là khi tư vấn, hợp đồng một đường ĐLBH giải thích một nẻo, hoặc nói quá quyền lợi, không rõ ràng minh bạch với người mua.
Trong trường hợp ĐLBH vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được bảo hiểm, công ty bảo hiểm phải đứng ra chịu trách nhiệm về hợp đồng bảo hiểm do ĐLBH thu xếp. ĐLBH có trách nhiệm bồi hoàn lại các khoản tiền mà công ty đã bồi thường cho người được bảo hiểm. Tuy nhiên, bản hợp đồng bảo hiểm thường dày cả chục trang với các thuật ngữ chuyên ngành, để lấy được tiền là rất “trần ai”. “Vì vậy, những người rơi vào trường hợp này thường nghĩ bảo hiểm là một loại hình bán hàng đa cấp”, ông nói.
Luật sư Hậu phân tích, kinh doanh đa cấp và kinh doanh bảo hiểm đều có mô hình tương đối giống nhau, đều có mô hình đại lý, đều hưởng hoa hồng và lợi nhuận. Tuy nhiên kinh doanh bảo hiểm được điều chỉnh bởi những quy định pháp luật khác. Việc khai thác bảo hiểm quy định những yêu cầu chặt chẽ hơn đối với chủ thể có hoạt động kinh doanh bảo hiểm, cụ thể là nguyên tắc khi kinh doanh bảo hiểm, các bên phải đảm bảo tính trung thực, công khai, minh bạch, tránh để khách hàng hiểu sai về sản phẩm dịch vụ của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.