Mới đây, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận thông tin hơn 9.000 vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới, ghi nhận 14 trường hợp tử vong, 18 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, do ảnh hưởng của bão số 3.
Tổng số tiền chi trả bồi thường thiệt hại về con người và tài sản ước tính khoảng 7.000 tỉ đồng.
Theo lãnh đạo cục, đây là những con số sơ bộ. Thực tế, số vụ tổn thất và giá trị chi trả bồi thường bảo hiểm vẫn chưa thống kê được toàn diện, đầy đủ. Trước đó, cục này cũng đã có công văn gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm, đề nghị báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm do bão số 3 gây ra, đồng thời thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm...
Gia đình chạy lũ thần tốc: Bí quyết di dời tài sản nhanh nhất
Hậu quả do bão số 3 để lại là vô cùng nặng nề, cả về người và tài sản. Việc mua bảo hiểm và chi trả tiền bảo hiểm sẽ là một phương án "cứu cánh" cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có tài sản, nhà xưởng lớn. Tuy vậy, không phải trường hợp nào mua bảo hiểm cũng đủ điều kiện để được hưởng bảo hiểm.
Vậy, doanh nghiệp cần lưu ý gì khi tham gia bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi của mình khi có sự cố xảy ra?
Theo luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch TAT Law Firm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội), thiên tai nói chung và bão, lũ nói riêng là những rủi ro khó lường. Khi xảy ra, chúng có thể gây thiệt hại rất lớn về tài chính cho doanh nghiệp.
Với trường hợp này, bảo hiểm tài sản là một trong những biện pháp hiệu quả nhất giúp doanh nghiệp giảm thiểu tổn thất. Bảo hiểm tài sản bao gồm nhà xưởng, máy móc và hàng hóa, giúp doanh nghiệp có thể nhanh chóng khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh mà không phải gánh chịu toàn bộ tổn thất.
Tuy nhiên, khi tham gia bảo hiểm, điều mấu chốt là doanh nghiệp phải hiểu rõ về hợp đồng bảo hiểm, phạm vi được bảo hiểm và các điều khoản loại trừ. Nếu không nắm rõ các quy định này thì rất dễ dẫn đến những hiểu lầm và tranh chấp khi yêu cầu bồi thường.
Luật sư Tú dẫn thực tế cho thấy, một trong những rủi ro phổ biến nhất mà doanh nghiệp gặp phải là các điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Nhiều hợp đồng có điều khoản loại trừ các sự cố thiên tai như sạt lở đất, ngập lụt do nước tràn từ hồ hoặc đập, sương muối…
"Nếu có điều khoản loại trừ như vậy, dù doanh nghiệp có tham gia bảo hiểm tài sản, nhưng trường hợp thiệt hại phát sinh từ những nguyên nhân này, họ cũng sẽ không được bồi thường", luật sư Tú nói và khuyến cáo doanh nghiệp cần đọc kỹ các điều khoản và hỏi rõ công ty bảo hiểm về những trường hợp nào không được bảo hiểm chi trả.
Vị luật sư cũng lưu ý, một số doanh nghiệp chỉ mua bảo hiểm cháy nổ cho nhà xưởng mà không mua các gói bảo hiểm mở rộng để bảo vệ trước các rủi ro thiên tai khác như giông bão hay lũ lụt. Điều này khiến cho phạm vi bảo hiểm trở nên hạn chế và không thể bảo vệ toàn diện doanh nghiệp trước các rủi ro.
Cần làm gì để được bồi thường?
Để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi khi tham gia bảo hiểm, luật sư Trương Anh Tú khuyến cáo doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ lưỡng về hợp đồng bảo hiểm trước khi ký kết. Đừng ngần ngại yêu cầu giải thích mọi điều khoản, đặc biệt là những điều khoản loại trừ.
"Một khi đã tham gia bảo hiểm, hãy đảm bảo rằng doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ các quy trình khai báo và giám định khi có sự cố", luật sư nhấn mạnh.
Khi sự cố xảy ra, ngoài việc hiểu rõ hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp cần lưu giữ đầy đủ hồ sơ và tài liệu liên quan đến tài sản của mình, bao gồm hình ảnh, video và hóa đơn liên quan đến tài sản bị thiệt hại. Điều này rất quan trọng để chứng minh tổn thất khi làm việc với công ty bảo hiểm.
Nếu có thể, doanh nghiệp cũng nên yêu cầu giám định độc lập để đảm bảo tính minh bạch trong việc xác định mức độ thiệt hại.
Doanh nghiệp cũng cần khai báo sự cố kịp thời với công ty bảo hiểm. Việc này cần được thực hiện ngay khi phát hiện sự cố để tránh việc công ty bảo hiểm từ chối bồi thường vì lý do không khai báo kịp thời.
Đồng thời, trong quá trình giám định, doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với công ty bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi được giải quyết nhanh chóng và chính xác.
Trong trường hợp phát sinh tranh chấp giữa doanh nghiệp và công ty bảo hiểm, điều đầu tiên doanh nghiệp cần làm là đối thoại trực tiếp với công ty bảo hiểm. Đây là cách đơn giản nhất để hai bên có thể giải quyết mâu thuẫn mà không phải đưa sự việc ra tòa.
Tuy nhiên, nếu không thể đạt được thỏa thuận, doanh nghiệp có thể cân nhắc sử dụng các cơ quan giải quyết tranh chấp như trọng tài thương mại hoặc tòa án; đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia pháp lý về bảo hiểm.
Bình luận (0)