"Bảo hiểm xã hội và bệnh viện 'cãi nhau' kịch liệt"

09/08/2019 16:42 GMT+7

"Mong muốn của Bộ Y tế là tránh “cãi nhau” kịch liệt giữa BHXH và BV như từng diễn ra. Vì thực chất mọi việc cũng vì bệnh nhân”, Bộ trưởng Y tế chỉ đạo.

Ngày 9.8, tại TP.HCM, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện đổi mới thái độ, phong cách phục vụ người bệnh, bệnh viện xanh sạch đẹp; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), đổi mới cơ chế tài chính - bảo hiểm y tế (BHYT) khu vực phía Nam.

Về đổi mới thái độ, phong cách phục vụ người bệnh, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các bệnh viện (BV) tiếp tục cải tiến; 100% nhà vệ sinh BV 3 sao trở lên; giảm thời gian chờ đợi gây phiền hà cho bệnh nhân, vận động người dân khám bệnh hẹn giờ.
“Cung ứng dịch vụ cho bệnh nhân - là người cần sự giúp đỡ, cần được yêu thương nhất thì càng phải làm sao cho đạt sự hài lòng. Do vậy, cuộc cách mang đổi mới toàn diện thái độ, phong cách đáp ứng sự hài lòng người bệnh nhân viên y tế tiếp tục làm việc đến suốt đời. Nghề y rất vất vả, theo nghề là có số mệnh rồi. Chỉ có yêu thương thì mới làm được”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, phòng chờ bệnh nhân dứt khoát phải có tivi, Bộ Y tế sẽ phát cho các BV 1 USB trong đó có chứa nội dung truyền thông để nâng cao sức khỏe, phòng chống các bệnh không lây nhiễm và quảng bá kỹ thuật của BV.
Về đổi mới quản lý chất lượng, theo Bộ trưởng Y tế thì các BV đã giảm nằm ghép, giảm chuyển tuyến. Năm 2018 đã có 300.000 lượt người nước ngoài KCB tại VN, chủ yếu là can thiệp tim mạch, nha khoa và thẩm mỹ. Bộ trưởng đặt vấn đề, hiện người nước ngoài làm việc rất nhiều trong các khu công nghiệp, đại sứ quán… ở VN, nhưng tại sao khi kiểm tra sức khỏe thì họ sang Thái Lan, Singapore... mặc dù chất luợng KCB ở VN tốt? Nhiều người thấy BV nhếch nhác quá họ không vào. Nên quan trọng nhất là thái độ và cơ sở xanh sạch đẹp, đầu tư kỹ thuật cao. Bộ Y tế ban hành Đề án giảm người nước ngoài tại VN ra nước ngoài KCB và thu hút Việt kiều về nước KCB.
Mặc khác, ở hội nghị này, Bộ trưởng cho biết sẽ đổi mới cung ứng dịch vụ y tế. Theo đó, ngành y tế sẽ “kéo ngược” bệnh nhân từ các BV T.Ư xuống BV tỉnh, từ BV tỉnh xuống huyện, xã. BV tuyến trên chỉ điều trị bệnh nhân nặng và phát triển kỹ thuật cao, phấn đấu đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế (JCI) chứ không thể mỗi ngày khám 5.000 - 6.000 bệnh nhân mắc các bệnh thông thường nữa. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành Đề án 1718, chuyển giao kỹ thuật từ BV tuyến huyện xuống xã.
Trong đổi mới tài chính - bảo hiểm y tế (BHYT), bệnh nhân được thanh toán nhiều kỹ thuật cao, thuốc tốt. Về tự chủ tài chính, cuối năm Bộ Y tế đưa chi phí khấu hao vào giá viện phí. Bộ trưởng y tế đề nghị các BV quán triệt không lạm dụng, không gian lận BHYT.
“Ngày giường phải tính rõ ràng, ai đáng điều trị ban ngày thì điều trị ban ngày chứ không cho nhập viện mà tối trốn về nhà thì nhập viện làm gì. Với tính tự trọng của người trí thức, dứt khoát không lạm dụng cái này. Thứ đến các phải BV chỉ định đúng theo đúng phác đồ điều trị. Mong muốn của Bộ Y tế là tránh “cãi nhau” kịch liệt giữa BHXH và BV như từng diễn ra. Vì thực chất mọi việc cũng vì bệnh nhân”, Bộ trưởng Y tế chỉ đạo.
Theo Bộ trưởng Y tế, vướng mắt trong thanh toán KCB, khi BHXH không thanh toán thì BV lấy tiền đâu trả cho người bán thuốc, trả lương cho cán bộ, nhân viên. BHXH treo 2 năm thì làm sao BV sống nổi. Có những BV huyện tội vô cùng, mắc nợ, treo đến 40 tỉ đồng.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề nghị các bệnh viện (BV) phấn đấu trở thành BV không giấy, không xài tiền mặt và BV như công viên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.