Báo lãi nghìn tỉ, ngân hàng 'đếm cua trong lỗ'

22/04/2019 06:56 GMT+7

Nếu soi kỹ báo cáo tài chính, bóc tách các khoản mục... sẽ thấy lợi nhuận nghìn tỉ đồng của không ít nhà băng hiện nay quá ảo. Cổ đông nào may mắn thì được ít tiền mặt, còn lại là ăn “bánh vẽ” và “móm” cổ tức.

Lãi hoành tráng...

Ngân hàng (NH) TMCP Quân đội (MB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2019 với lợi nhuận trước thuế 2.424 tỉ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh tín dụng bị siết lại theo chủ trương chung của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cạnh tranh ngày càng gay gắt, con số trên khá ấn tượng. Đặc biệt, mảng dịch vụ của MB đột phá lớn khi đem về tới 758 tỉ đồng lãi thuần, gấp 2,4 lần cùng kỳ.
Nói không ngoa chứ giờ nhà băng nào cũng in giấy ngập sàn chứng khoán. Giá thì lao dốc, càng nắm giữ càng lỗ. Chia cổ tức bằng cổ phiếu thì lại pha loãng, giá sau chia tách lại giảm sâu. Cổ đông như chúng tôi móm nặng
Anh Bùi Thành Phương (Q.Cầu Giấy, Hà Nội)
Tuy nhiên, điểm trừ rất lớn đối với MB hay bất cứ nhà băng nào khác nằm ở các khoản phải thu quá lớn. Theo một chuyên gia tài chính, khoản phải thu nằm ở trong khoản mục tài sản có của NH gồm: tài sản cố định, tiền mặt, vàng bạc, khoản cho vay khách hàng... Hiểu nôm na, nếu NH có 100 đồng khoản phải thu sẽ được ghi nhận vào phần tài sản có và kết quả kinh doanh trong phần thu nhập lãi tăng 100 đồng. Nhưng đó chỉ là khoản lợi nhuận kỳ vọng, dự tính sẽ thu được trong tương lai, không chắc chắn. Một khi không thu được, NH phải thoái lãi đưa toàn bộ vào chi phí làm giảm thu, giảm lợi nhuận.
Con số này ở các nhà băng như thế nào? NH TMCP Quốc tế (VIB) cũng báo lãi trước thuế quý 1/2019 là 810 tỉ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2018. Nguồn thu chủ yếu của nhà băng này từ tín dụng với thu nhập lãi thuần 1.382 tỉ đồng, còn lãi thuần từ hoạt động dịch vụ 340 tỉ đồng. VIB có tổng tài sản 145.000 tỉ đồng, nhưng riêng tài sản có khác đã lên tới 5.325 tỉ đồng, trong đó các khoản phải thu 3.410 tỉ đồng, tăng hơn 18% so với cuối năm 2018 (lãi, phí phải thu 1.401 tỉ đồng). VIB báo nợ xấu 2,2% nằm dưới mức an toàn của chuẩn Basel 2. Song với nợ cần chú ý 1.613 tỉ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn 361 tỉ đồng và nợ nghi ngờ 424 tỉ đồng, đặc biệt nợ có khả năng mất vốn 1.801 tỉ đồng, cùng với các khoản phải thu không đúng như kỳ vọng, phải thoái lãi sẽ vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn.
Cuối tháng 3.2019, theo báo cáo tài chính của MB, khoản mục “tài sản có khác” là 16.000 tỉ đồng, tăng hơn 33% so với 12.000 tỉ đồng cuối năm 2018. Đáng nói, khoản phải thu gần 12.300 tỉ đồng, khoản lãi và phí phải thu khoảng 3.000 tỉ đồng, còn lại khoản mục khác. Riêng khoản mục lớn nhất 5.351 tỉ đồng NH lại ghi “các khoản phải thu khác”. Khoản này không được giải trình cụ thể là khoản phải thu gì. Cũng cần phải lưu ý, ngay tại thời điểm ngày 31.3.2019, bên kia bảng cân đối, nợ xấu tại MB tăng 13% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,33% lên mức 1,41%.
Đây chỉ là một số trường hợp báo cáo tài chính sớm trong quý 1/2019, với các khoản phải thu tăng đột biến. Còn trước đó, khảo sát từ báo cáo tài chính năm 2018 đã công bố của 23 NH cho thấy, tổng số lãi dự thu tại các NH tính đến cuối năm đạt hơn 77.000 tỉ đồng, tăng 2,7% so với cuối năm 2017 (hơn 75.000 tỉ đồng). Trong đó, BIDV có số dư lãi, phí dự thu cao nhất với 11.897 tỉ đồng, tăng 25,5%; tiếp theo là Vietcombank với 7.410 tỉ đồng và VietinBank là 6.905 tỉ đồng.

... Cổ đông “móm" nặng

Tổng giám đốc một NH TMCP tại Hà Nội thẳng thắn chia sẻ, NH của ông phải chấp nhận lùi cuộc chơi lợi nhuận, thoái lãi dự thu, trích lập dự phòng rủi ro để xử lý hết nợ xấu, chuẩn bị cho bước đi bền vững, chắc chắn trong tương lai. “NH kinh doanh dựa vào uy tín, niềm tin với khách hàng. Nếu báo lợi nhuận thấp, sụt giảm thì lo ngại khách không vay - gửi cũng rất áp lực. Các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài đa phần đều muốn hạch toán lãi dự thu vào để đẩy lợi nhuận lên cao. Nhưng sau nếu không thu được biến thành nợ xấu rất rủi ro”, vị này nói.
Chính vì lãi ảo nên các cổ đông của NH đại đa phần năm nay “móm” cổ tức tiền mặt. ACB còn nguồn lợi nhuận trên 5.000 tỉ đồng chia bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%, và con số này sang năm 2019 dự kiến cũng sẽ là 20%. NamABank chia cổ tức với tỷ lệ 16% bằng cổ phiếu cho năm 2018. Vietcombank, BIDV, VietinBank đang xin Chính phủ giữ lại lợi nhuận, chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Với mặt bằng giá cổ phiếu NH đang giảm thảm hại, lặn ngụp dưới đáy gần đây, việc các nhà băng tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu khiến cổ đông tỏ ra thất vọng, chán nản. “Nói không ngoa chứ giờ nhà băng nào cũng in giấy ngập sàn chứng khoán. Giá thì lao dốc, càng nắm giữ càng lỗ. Chia cổ tức bằng cổ phiếu thì lại pha loãng, giá sau chia tách lại giảm sâu. Cổ đông như chúng tôi móm nặng”, anh Bùi Thành Phương (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cho biết thêm, tới đây sẽ làm triệt để, yêu cầu từng nhà băng phải rà soát thoái lãi dự thu theo đúng quy định. Hiện tại nợ xấu, theo lãnh đạo này nếu tính trên sổ sách nằm ở mức an toàn, tuy nhiên nếu tính cả nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ đã bán cho VAMC vẫn còn ở mức cao. Do đó, việc thoái lãi dự thu là cần thiết để NH hoạt động lành mạnh, xác định đúng lợi nhuận thu được, các khoản nợ xấu.
“Nhà băng nào bán nợ cho VAMC, không thoái lãi dự thu đúng quy định, sẽ không được chia cổ tức bằng tiền mặt. Với nhà băng đang thuộc diện tái cơ cấu, sức khỏe­ chưa đảm bảo, nợ còn nhiều tại VAMC cũng không được chia cổ tức bằng cổ phiếu”, lãnh đạo NHNN khẳng định.
Mới đây NHNN đã ban hành Văn bản số 1968/NHNN-TTGSNH yêu cầu các ngân hàng thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật để phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.