Các nghiên cứu cho thấy giày mòn cũ làm thay đổi dáng đi và tư thế chạy, làm tăng nguy cơ chấn thương. Khi đó, chức năng giảm sốc của đế giày đã giảm đáng kể, theo CNET.
Giày mòn cũ làm thay đổi dáng đi và tư thế chạy, làm tăng nguy cơ chấn thương khi chạy |
SHUTTERSTOCK |
Khi nào phải thay giày mới không liên quan đến vấn đề thời gian mà liên quan đến số km di chuyển. Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo nên thay giày chạy bộ khi đã chạy được 500 đến 750 km. Nếu một người chạy 2 km/ngày thì họ sẽ thay giày sau 8 tháng đến 1 năm.
Tuy nhiên, con số này chỉ là tương đối vì tốc độ giày mòn ở mỗi người mỗi khác. Ví dụ, một người chạy trên địa hình gồ ghề hoặc đường nhựa thì giày họ sẽ nhanh mòn và hư hơn người chạy trên những con đường bằng đất.
Ngoài ra, các yếu tố khác như ảnh hưởng môi trường, trọng lượng cơ thể, kích thước bàn chân và thói quen chạy cũng ảnh hưởng đến tuổi thọ của giày.
Nếu bạn theo dõi lộ trình chạy của mình bằng đồng hồ thể thao hay các thiết bị GPS thì có thể ước tính khá chính xác quãng đường đã chạy. Khi đạt đủ 500 đến 750 km thì sẽ biết phải thay giày mới.
Trong trường hợp không theo dõi lộ trình chạy, mọi người hãy thay giày mới khi có các biểu hiện sau:
Đau nhức chân
Nếu bạn thường xuyên bị đau mắt cá, đầu gối hoặc hông sau khi chạy thì hãy mua giày mới. Những cơn đau này có thể là do lớp đệm giảm sốc trong giày bị mòn, khiến các khớp ở mắt cá, đầu gối và hông bị đau nhức.
Đau ở lòng bàn chân
Đôi giày khi quá mòn sẽ không còn phù hợp với kích cỡ bàn chân. Khi đó, người chạy sẽ cảm thấy vòm bàn chân dễ bị đau nhức và căng cứng.
Các rãnh ở đế giày bị mòn
Các rãnh ở đế giày bị mòn đến mức gần như nhẵn cũng là lúc phải thay đôi giày mới. Những rãnh này mòn sẽ khiến làm giảm độ ma sát giữa giày và mặt đường, dễ gây trượt.
Phồng chân
Đôi giày quá cũ sẽ không còn vừa với kích cỡ chân nữa. Việc này khiến da chân sẽ ma sát vào phần bên trong giày, gây phồng chân. Đó là lúc phải thay đôi giày mới, theo CNET.
Bình luận (0)