Trong một tuyên bố, Thủ tướng Anh cho biết “Tôi hoàn toàn lên án hành vi cực đoan cực hữu mà chúng ta đã chứng kiến vào cuối tuần này, đó là hành vi bạo lực hình sự chứ không phải là cuộc biểu tình hợp pháp”.
Các cuộc biểu tình lan rộng khắp ở các thành phố Liverpool, Nottingham, Leeds, Belfast, Stoke-on-Trent, Blackpool, Bristol, Hull. Nhiều doanh nghiệp bị phá hoại và một số cảnh sát bị thương.
Hội đồng Cảnh sát trưởng quốc gia Anh cho biết 147 người đã bị bắt kể từ tối 3.8 (giờ địa phương) và sẽ còn nhiều người nữa bị bắt trong những ngày tới.
Ngày 4.8, hơn 300 người diễu hành qua các trung tâm thành phố và hô vang khẩu hiệu “chúng tôi muốn đất nước trở lại” ở Bolton, Lancaster, Weymouth và Middlesbrough.
Đỉnh điểm vào ngày 4.8, khoảng 700 người đã tập trung tại khách sạn Holiday Inn Express ở Rotherham (miền bắc nước Anh) - nơi trú ngụ của những người xin tị nạn để phản đối nhập cư.
Theo Reuters dẫn lời một nhân chứng cho biết nhiều người biểu tình đeo mặt nạ hoặc mũ trùm đầu đã ném gạch, ván gỗ và phun bình chữa cháy vào cảnh sát. Vụ việc khiến 10 cảnh sát bị thương và cửa kính khách sạn vỡ toang.
Bộ trưởng Nội vụ Anh Yvette Cooper lên án những kẻ bạo loạn: “Vụ tấn công bạo lực, hành động tội ác nhằm vào một khách sạn dành cho người xin tị nạn ở Rotherham là vô cùng kinh hoàng”.
Bên cạnh đó, Văn phòng của Thủ tướng Starmer cho biết chính phủ Anh ủng hộ mọi hành động cần thiết của cảnh sát để giữ cho đường phố an toàn.
Nguyên nhân của làn sóng biểu tình và bạo loạn xuất phát từ vụ tấn công bằng dao của Axel Rudakuban (17 tuổi) ở Southport khiến 3 trẻ em thiệt mạng và nhiều bé khác bị thương.
Sau vụ đâm dao, các cuộc biểu tình đã diễn ra tại Anh, khi thông tin sai sự thật được lan truyền trên mạng xã hội rằng nghi phạm “là một người Hồi giáo nhập cư”. Cảnh sát khẳng định Rudakuban sinh ra tại Anh.
Bình luận về vụ việc trên, Đài RT dẫn lời tỉ phú Elon Musk cảnh báo Anh có nguy cơ rơi vào nội chiến khi các cuộc biểu tình phản đối nhập cư đang diễn ra ở nước này ngày càng leo thang.
Bình luận (0)