(TNO) Vụ trọng tài Võ Minh Trí bị một nhóm cổ động viên (CĐV) Hải Phòng chặn đánh ngay trong xe chở trọng tài, giám sát và cả trưởng ban tổ chức giải, trên đường cao tốc Trung Lương - TP.HCM, cần phải được coi là một “nấc thang mới” của bạo lực sân cỏ trong Bóng đá Việt Nam (VN).
>> Trọng tài Võ Minh Trí bị hành hung
>> Nhận 2 thẻ đỏ, V.Hải Phòng đại bại trên sân Cao Lãnh
>> Hải Phòng đánh mất chính mình
|
Đây không phải lần đầu trọng tài bị CĐV hành hung, nhưng khi nơi hành hung cách xa sân bóng tới cả trăm cây số thì phải coi đây là đòn trả thù mang tính "xã hội đen".
Chính trưởng ban tổ chức giải là ông Trần Duy Ly đã chứng kiến từ đầu chí cuối trận đòn thù này. May mà nhóm CĐV Hải Phòng đã “chừa” ông Ly ra, không động tới. Dĩ nhiên không phải do sợ ông Ly, mà đơn giản, họ chỉ muốn “xử” trọng tài Võ Minh Trí.
Bóng đá VN, chất lượng rất thấp, nhưng “vấn nạn” rất nhiều. Trọng tài cũng là một trong những “vấn nạn” khá nhức nhối của Bóng đá VN. Nhưng, dù trọng tài thổi đúng, thổi sai trên sân cỏ, thì họ vẫn là con người.
Có rất nhiều cách để phản đối trọng tài, trừ một cách: bạo lực. Bởi vì khi đã dùng "đòn hội đồng” để “xử” một trọng tài, tức là đã dày xéo lên không chỉ thân thể một con người, mà còn dày xéo lên pháp luật.
Chắc chắn, những CĐV Hải Phòng đã “thượng cẳng tay hạ cẳng chân” với trọng tài Trí không muốn mình là những người đứng trên pháp luật hay đứng ngoài xã hội. Họ cũng không bao giờ muốn người khác đánh đòn hội chợ với mình. Vậy thì đừng bao giờ làm những điều tồi tệ mà mình không muốn người khác làm với mình như vậy.
Pháp luật sẽ phải vào cuộc để xử lý những CĐV quá khích này, nhưng Bóng đá VN sẽ phải mang thêm một vết nhơ. Nhất là khi Bóng đá VN tự coi mình đã bước vào hàng ngũ những nền bóng đá chuyên nghiệp.
Ở những nền bóng đá chuyên nghiệp lớn trên thế giới, có chuyện trọng tài bị đe dọa, chủ yếu bằng tin nhắn, không? Có. Nhưng chỉ cần những kẻ đe dọa thực hiện hành vi xâm phạm tới thân thể trọng tài hay bất cứ ai, pháp luật sẽ lập tức ra tay và ra tay quyết liệt, mạnh mẽ. Trên sân bóng có cách xử lý trên sân bóng. Còn ngoài sân bóng lại có cách xử lý ngoài sân bóng, của pháp luật.
Bóng đá là một trò chơi của số đông. Phải coi cả những CĐV trên các khán đài cũng là những người trực tiếp tham gia vào trò chơi bóng đá. Vì vậy, đây là nơi mà những va chạm nhỏ dễ dẫn tới va chạm lớn, những sai lầm nhỏ dễ dẫn tới sai lầm lớn hơn.
Thế nhưng, Ban tổ chức V-League hình như vẫn thúc thủ trước những chuyển động ngày càng tăng tốc của bạo lực sân cỏ. Điều này thật nguy hiểm, vì không ai có thể đoán được chiều hướng bạo lực sẽ gia tăng tới mức nào.
Nay thì đã xuất hiện kiểu bạo lực sân cỏ khi đã cách xa sân cỏ hàng trăm cây số. Rồi sẽ còn dẫn tới những hình thức bạo lực nào nữa?
Chắc chắn, sẽ phải có những hình thức phòng ngừa với CĐV Hải Phòng, điều này khiến những “CĐV Hải Phòng không bạo lực” phải buồn lòng. Họ không gây nên bạo lực nhưng phải gánh chịu những hình phạt của luật bóng đá.
Nhưng trừng phạt chỉ là một biện pháp, trong rất nhiều biện pháp cần phải có, cần phải làm để trả Bóng đá VN về cảnh thanh bình, xa lạ với bạo lực dù trên sân cỏ hay ngoài sân cỏ. Điều này không dễ, vì hơn bất cứ loại hình thể thao nào, bóng đá mang tính xã hội rất sâu sắc.
Một xã hội chứa nhiều mầm mống bạo lực, một xã hội thiếu sự thông cảm, thiếu tình người tất yếu sẽ dẫn tới những hành xử bạo lực, những tâm lý chuộng bạo lực. Đó cũng là sự thúc thủ của xã hội, chứ không riêng của Ban tổ chức giải V-League, dù giải đó do VFF hay VPF chủ trì.
Thanh Thảo
Bình luận (0)