"Bạo lực đường phố" từ các va chạm nhẹ
Gần đây, vào đêm 30.12, tại điểm chắn Chùa Ưu Đàm, thuộc P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức) trong lúc các phương tiện và người tham gia giao thông đã dừng chờ tàu qua, một cặp vợ chồng chở nhau trên xe gắn máy yêu cầu nhân viên mở chắn cho qua. Tuy nhiên, nhân viên gác chắn không đồng ý, người phụ nữ ngồi sau xe đã chửi bới, lăng mạ và xuống xe, xông vào hành hung nhân viên gác chắn đúng lúc tàu đang thông qua đường ngang.
Ngay sau đó, ngày 3.1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Thủ Đức (TP.HCM) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thùy Trang (37 tuổi, quê Bạc Liêu) về hành vi cố ý gây thương tích. Trang là người đã hành hung nữ nhân viên đường sắt.
Sự việc khác diễn ra lúc 7 giờ ngày 9.12, một nam thanh niên chạy xe máy trên đường Khánh Hội và tìm cách vượt lên trước thì xảy ra va chạm với xe máy do một người mặc áo xanh cầm lái lưu thông cùng chiều phía trước, cũng đang tìm cách vượt lên. Cú va chạm nhẹ, không ai bị té ngã, 2 phương tiện không bị hư hỏng nhưng người đàn ông bất ngờ đá chống, đậu xe chặn giữa đường và xông vào đấm mạnh vào mặt người áo xanh và tiếp tục đánh chỏ vào đầu khiến nạn nhân cùng xe máy té ngã vào dải phân cách.
Ngày 2.1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Q.4 (TP.HCM) đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ Viện Kiểm sát nhân dân Q.4 đề nghị truy tố Bùi Thanh Khoa (41 tuổi, ở H.Nhà Bè, TP.HCM) về tội cố ý gây thương tích. Khoa là người đã hành hung dã man một cô gái sau va quẹt giao thông trên đường Khánh Hội.
Hay sự việc xô xát trên đường vào đêm giao thừa 31.12.2024 đã làm xôn xao mạng xã hội trong thời gian dài. Theo đó, anh T.A.P (30 tuổi, quê Lâm Đồng) điều khiển xe máy chở vợ là chị H.N.L (28 tuổi, quê Trà Vinh) chạy trên đường Lê Duẩn, hướng về Thảo Cầm Viên. Khi xe máy đến trước địa chỉ số 2B Lê Duẩn (P.Bến Nghé) thì bị Nguyễn Văn Dũng điều khiển xe máy chở phụ nữ tên Bùi Thị Ngọc Anh cố tình cản đường, không cho anh P. quay đầu xe dẫn đến cự cãi giữa 2 bên.
Sau đó, Dũng đã tấn công, đánh anh P. và chị L. Khi anh H.H.V (30 tuổi, ở Q.7, tài xế công nghệ) đến can ngăn, Dũng và Anh quay sang tấn công, hành hung anh V. như clip trên mạng.Chưa dừng lại ở đó, đôi vợ chồng này tiếp tục quay lại đánh anh P. và chị L. Sự việc được người dân quay lại sau đó đăng tải lên mạng xã hội.
Điểm lại những vụ "bạo lực đường phố": Chuyên gia tâm lý "điểm mặt" nguyên nhân
Kẹt xe làm tăng nguy cơ căng thẳng, lo âu
Thạc sĩ Nguyễn Phước Cát Phượng, đồng sáng lập doanh nghiệp hỗ trợ tâm lý Menthy nói rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một người tham gia vào hành động xô xát, bạo lực trên đường.
Theo thạc sĩ Phượng, nhìn bên ngoài chúng ta dễ nhận thấy việc mật độ giao thông đông đúc, thường xuyên kẹt xe có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người tham gia giao thông. Do vậy khiến một số người dễ bị ức chế, mất kiểm soát hành vi khi có điều không mong muốn xảy ra trên đường, thậm chí dẫn đến xô xát, hành hung người khác.
Ở một khía cạnh khác, nhiều khó khăn kinh tế xã hội hiện nay cũng tạo ra thêm căng thẳng cho nhiều người, dẫn đến việc tâm lý chất chứa dồn nén nhiều cảm xúc khó chịu. Trong trạng thái đó, khi gặp thêm bất kỳ một kích thích nào khác bên ngoài (như một vụ va chạm nhỏ trên đường phố) dễ khiến một số người bùng nổ cảm xúc dẫn đến các hành vi gây hấn.
Bên cạnh nguyên nhân từ bên ngoài, vẫn phải để tâm đến các nguyên nhân bên trong thuộc về nội tâm cá nhân. Ví dụ như người có tính khí hòa nhã hay nóng nảy có cách cư xử khác nhau khi gặp phải xung đột; hoặc một người có khả năng điều tiết cảm xúc tốt cũng sẽ khó có các hành vi gây hấn hơn… Những nguyên nhân cá nhân này hình thành một phần từ khí chất bẩm sinh của một người kết hợp với quá trình giáo dục của gia đình, nhà trường, văn hóa chung của xã hội.
Một nghiên cứu tổng quan hệ thống vào năm 2022 tổng hợp kết quả của 35 nghiên cứu khác cho thấy mức độ kẹt xe cao có liên quan đến sự gia tăng căng thẳng và lo âu của người tham gia giao thông. Việc kẹt xe có thể dẫn đến cảm giác cáu gắt, bị lãng phí thời gian, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người thường xuyên trải qua tình trạng tắc đường nói rằng họ có mức độ căng thẳng tâm lý cao hơn.
Bên cạnh các ảnh hưởng trực tiếp lên sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần, vấn nạn kẹt xe còn làm giảm chất lượng sống của người dân, gây ảnh hưởng đến công việc và các sinh hoạt thường ngày.
Vì sao những vụ xô xát có liên quan đến phụ nữ?
Về vấn đề trước kia, việc xô xát trên đường thường xảy ra ở nam giới nhưng ngày nay, lại xuất hiện nhiều trường hợp là nữ giới thì chuyên gia Phượng liệt kê ra 2 lý do chính. Đó là trước kia xảy ra nhiều các vụ xô xát trong giao thông từ nam giới vì số lượng nam giới tham gia trực tiếp vào giao thông nhiều hơn phụ nữ. Kế đến khi xảy ra xung đột, nam giới thường có xu hướng bộc lộ các cảm xúc tức giận, căng thẳng của mình ra bên ngoài, thậm chí là hướng vào người khác. Trong khi đó, phụ nữ thường có xu hướng dồn các cảm xúc đó vào bên trong.
Chuyên gia này cũng phân tích thêm, hiện nay, phụ nữ ngày càng đảm đương nhiều vai trò hơn cả ở gia đình lẫn xã hội nên họ tham gia giao thông nhiều hơn. Rất dễ quan sát thấy ngày càng nhiều phụ nữ cầm lái cả xe ô tô lẫn xe máy. Do đó, khi va chạm xảy ra, tỉ lệ phụ nữ có liên quan cũng tăng lên.
Thêm vào đó, căng thẳng trong cuộc sống cũng tạo áp lực cảm xúc cho phụ nữ nhiều hơn nam giới, nên những dồn chứa về mặt cảm xúc họ mang theo trong người dễ bị bùng nổ khi gặp thêm yếu tố kích hoạt từ bên ngoài là các trục trặc khi tham gia giao thông. Nếu người phụ nữ đó có nhiều tính nam bên trong, thì việc xô xát càng dễ xảy ra hơn.
"Mặt khác, xã hội thường kỳ vọng phụ nữ luôn hành xử mềm mỏng trong xung đột, nên khi có phụ nữ tham gia vào các vụ xô xát, sự chú ý sẽ dồn vào họ nhiều hơn, tạo ra hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ hơn trên mạng xã hội, và tạo ra một cảm giác rằng: có vẻ như ngày càng nhiều phụ nữ hành xử bạo lực", thạc sĩ Phượng nói.
Đi đường cần bình tĩnh, cẩn trọng để an toàn trở về tổ ấm
Thạc sĩ Phượng nói thêm, các nghiên cứu tâm lý học đã chỉ ra rằng bạo lực có thể lây lan thông qua nhiều cơ chế khác nhau như học tập xã hội, lây lan cảm xúc, củng cố hành vi… Không những hành vi xô xát có tính lây lan, mà cả thái độ thờ ơ đứng nhìn không can thiệp cũng có tính tương tự.
Tuy nhiên, tin mừng là các hành vi tốt cũng có tính lây lan: ví dụ như cách cư xử văn minh, bình tĩnh của những người có va chạm giao thông với nhau, hoặc các hành vi can ngăn khuyên nhủ của người đi đường… Do đó, nếu chúng ta có cách truyền thông phù hợp thì việc "lây lan" các cách ứng xử tốt có thể góp phần giảm bớt việc xô xát khi tham gia giao thông.
Theo chuyên gia tâm lý, để tránh những hành vi không đẹp trên đường, mỗi người cần giữ bình tĩnh và xử lý tình huống thấu đáo khi tham gia giao thông cũng là một kỹ năng quan trọng.
Cho nên, luôn chuẩn bị tâm lý trước khi ra đường và thu xếp công việc để bản thân không rơi vào tình huống vội vàng, dễ dẫn tới thêm căng thẳng. "Hãy tham gia giao thông với tinh thần cẩn trọng, bình tĩnh để mỗi người đều có thể an toàn quay trở về tổ ấm của mình."
Mỗi người cần luyện tập khả năng giữ bình tĩnh, quân bình nội tâm thông qua việc điều tiết cảm xúc và quản lý hành vi trong các sinh hoạt thường ngày, không chờ đến khi có xung đột mới luyện tập sự bình tĩnh thì đã muộn.
"Đó là kiên nhẫn xếp hàng, chậm lại một chút mỗi khi thấy mình quá vội vã. Tập thiền hoặc các bài tập hít thở mỗi ngày, tập dừng bản thân lại khi nhận ra mình đang có nhiều cảm xúc mạnh. Khi xô xát xảy ra, nếu thấy bản thân mất bình tĩnh và có quá nhiều cảm xúc, bạn cần chủ động hít thở sâu kết hợp với đếm số cho đến khi nào thấy bản thân bình tĩnh hơn. Trong trường hợp có chai nước hoặc khăn lạnh, hãy rửa mặt và lau mặt để giúp điều tiết cảm xúc tốt hơn. Nếu cần hãy tạo khoảng cách giữa mình với mọi người để tránh xảy ra xung đột đáng tiếc" chuyên gia tâm lý Cát Phượng chia sẻ.
Bình luận (0)