Bạo lực học đường: Tư vấn tâm lý học đường chính là 'bình chữa cháy' tuyệt vời

23/04/2023 13:00 GMT+7

Bạo lực học đường có thể xảy ra đối với bất kỳ ai tham gia vào quá trình dạy học, giáo dục ở trường học. Đây là nhận định của nhóm nghiên cứu mạnh tâm lý học giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM).

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thanh Huân là một trong những thành viên trong nhóm nghiên cứu mạnh tâm lý học giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) từng tham gia vào đề tài nghiên cứu cấp Bộ về thực trạng bắt nạt trực tuyến trên 1.302 học sinh cấp THCS và THPT. 

Ông Huân đã có những chia sẻ cùng Thanh Niên xoay quanh vấn nạn bạo lực học đường (BLHĐ) đã và đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Bạo lực học đường, ‘ngọn lửa âm ỉ’ nhưng chưa có ‘biện pháp dập tắt’ hiệu quả?  - Ảnh 1.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thanh Huân

PHONG LINH

Bạo lực học đường ngày càng được "biến hóa"

Thưa thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thanh Huân, có ý kiến nhận định càng ngày BLHĐ càng nở rộ, bởi thực tế những vụ việc BLHĐ cứ diễn ra liên tục, ở nhiều tỉnh thành, ông có nghĩ vậy không?

BLHĐ đã tồn tại từ rất lâu trong xã hội Việt Nam và ngày càng được "biến hóa", phát triển theo sự tăng trưởng của xã hội, với nhiều hình thức tinh vi hơn… nhưng khoan vội kết luận là nở rộ.

Có thể nhìn nhận vấn đề về bạo lực tinh thần, bạo lực trực tuyến, bạo lực ẩn danh… làm cho chúng ta phải thật sự cập nhật để tư vấn và giáo dục. Càng gần học sinh, càng thở bằng hơi thở các em, càng sống cùng các em, nghĩ như các em sẽ hiểu nhiều hơn về các em và cảm nhận rằng các em đáng thương dù rằng đáng trách ngay cả với những bạn bạo lực bạn mình.

Cũng có một ý kiến khiến dư luận quan tâm, đó là BLHĐ dường như thường xảy ra ở những tỉnh lẻ còn ít xảy ra ở các thành phố lớn, điều này liệu có đúng?   

Điều này hoàn toàn không đúng vì BLHĐ sẽ không chừa một nhóm đối tượng nào, cũng như không có mối liên hệ về địa bàn sinh sống. BLHĐ bắt nguồn từ những bất hòa dù rất nhỏ trong giao tiếp - ứng xử giữa con người nhau, giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên…

Bạo lực học đường, ‘ngọn lửa âm ỉ’ nhưng chưa có ‘biện pháp dập tắt’ hiệu quả?  - Ảnh 2.

BLHĐ ngày càng được "biến hóa"

CHỤP MÀN HÌNH

Vậy theo ông, những ai có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của BLHĐ?   

Tất cả lực lượng tham gia vào quá trình dạy học, giáo dục ở trường học đều có nguy cơ trở thành nạn nhân của BLHĐ, đó có thể là học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên nhà trường…

Vụ nữ sinh ở Nghệ An tự tử: ‘Quy định cứng nhưng tình người là mềm’

Phải có những cách để ngăn chặn và đẩy lùi BLHĐ, vậy thì đó là cách gì, theo ông?   

Điều đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là phải tiếp tục nâng cao nhận thức về BLHĐ, tổn thương tâm lý do bị BLHĐ, cách nhận biết và ứng phó với BLHĐ, tư vấn tâm lý cho học sinh bị BLHĐ… của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên trường học, phụ huynh học sinh, người làm công tác tư vấn tâm lý học đường… để họ hiểu đúng và biết cách ứng phó phù hợp với BLHĐ. 

Ngoài ra, các cơ quan ban ngành cũng như các trường đại học có đào tạo ngành tâm lý học, tâm lý học giáo dục, công tác xã hội... nên tăng cường các hoạt động hỗ trợ cộng đồng để thiết lập được mạng lưới hỗ trợ trẻ em, vị thành niên có nguy cơ bị BLHĐ cũng như triển khai các nghiên cứu trọng điểm về một mô hình phòng ngừa BLHĐ đáp ứng yêu cầu mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bạo lực học đường, ‘ngọn lửa âm ỉ’ nhưng chưa có ‘biện pháp dập tắt’ hiệu quả?  - Ảnh 3.

BLHĐ có thể chấm dứt khi và chỉ khi công tác tư vấn tâm lý học đường được quan tâm và đẩy mạnh

CHỤP MÀN HÌNH

Làm tốt 3 công tác tư vấn tâm lý học đường trọng điểm

Ông có thể dự đoán, khi nào hoặc bao giờ thì BLHĐ không còn là vấn nạn khiến dư luận bất an như hiện nay? Để làm được điều đó thì buộc phải có những điều kiện cần và đủ nào?  

Cá nhân người làm nghiên cứu không thể và cũng không nên dự đoán được bao giờ thì BLHĐ sẽ chấm dứt, hoặc không còn khiến dư luận cảm thấy bất an. Đó là một mâu thuẫn luôn tồn tại trong sự phát triển của mọi thời đại. 

Việc cấp cách chúng ta cần làm chính là làm tốt 3 công tác tư vấn tâm lý học đường trọng điểm: sàng lọc những đối tượng học sinh có nguy cơ bị BLHĐ, phòng ngừa bằng giáo dục kỹ năng và chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần liên quan đến BLHĐ, can thiệp tâm lý chuyên sâu dành cho nhóm đối tượng bị tổn thương tâm lý do bị BLHĐ để hỗ trợ các em một cách tốt nhất. 

Khi và chỉ khi công tác tư vấn tâm lý học đường được quan tâm và đẩy mạnh, cũng như được nhìn nhận như một điều kiện cần để phòng ngừa BLHĐ thì khi đó chúng ta mới có được những yếu tố mang chất "đủ" để đẩy lùi vấn nạn này. Nhưng như đã nói phải tổng hòa sức mạnh của việc tổ chức hoạt động giáo dục, dạy học trong trường và giáo dục gia đình, cộng đồng mới có thể đảm bảo đạt được mục tiêu giả định.

Bạo lực học đường, ‘ngọn lửa âm ỉ’ nhưng chưa có ‘biện pháp dập tắt’ hiệu quả?  - Ảnh 4.

Bạo lực học đường có thể xảy ra đối với bất kỳ ai tham gia vào quá trình dạy học, giáo dục ở trường học

CHỤP MÀN HÌNH

Lại phải nói, vấn nạn BLHĐ được phản ánh xuyên suốt thời gian rất dài, nhưng càng nói lại càng xảy ra BLHĐ, những vụ BLHĐ cứ diễn ra từ tỉnh này sang tỉnh nọ, từ năm này sang năm khác, vì sao thế, thưa ông?   

Vì BLHĐ luôn là một "ngọn lửa âm ỉ cháy" trong các trường học và vẫn chưa có một "biện pháp chữa cháy" nào hiệu quả để "dập tắt" được ngọn lửa này. Nếu còn mâu thuẫn, còn xung đột tồn tại; còn những hẫng hụt mà học sinh gặp phải nhưng chưa tìm ra cách giải quyết thỏa đáng thì nguy cơ bạo lực vẫn còn. Nhưng xin khẳng định rằng đừng quá bi quan khi lấy một sự việc để quy gán cho tất cả dù rằng trách nhiệm chúng ta lớn hơn và nhiều hơn từ một sự việc…

Cũng xin nói rõ là xã hội cần quan tâm nhiều hơn về giáo dục cộng đồng nhất là các tác động trực tuyến mang tính chất giáo dục hay phi giáo dục. Chúng ta đã làm gì với những cái tát tai vô tội vạ của những clip hài hước thiếu nhân văn? Chúng ta làm gì với các hành vi "kệch cỡm" và "phóng đại" thiếu cân nhắc của các hình ảnh giả trang bởi các nhân vật mang mác diễn viên hay những người nuôi dưỡng hình ảnh quá vô tư...?

Hơn nữa, chúng ta cũng cần xem xét và đánh giá sự đầu tư thỏa đáng cho giáo dục hay không từ góc nhìn giáo dục con người khi tổ chức hoạt động dạy học và giáo dục. 

Sau cùng, cần hiểu đúng vai trò và nhiệm vụ của công tác tư vấn tâm lý học đường chính là "bình chữa cháy" tuyệt vời cho bối cảnh này, với điều kiện được quan tâm về trình độ chuyên môn, công tác bồi dưỡng và chế độ chính sách cho đội ngũ thực hiện công tác này nhưng không phải là vạn năng hay là tất cả. 

Xin cảm ơn ông vì những chia sẻ!  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.