Con gái tôi học lớp 11, do cháu không đồng ý cho bạn chép bài trong giờ kiểm tra nên khi tan học bạn đã hẹn gặp con gái tôi để nói chuyện. Tuy nhiên, khi gặp mặt, cả hai đều gay gắt dẫn đến xô xát, đánh nhau. Hành vi trên có phải là bạo lực học đường không? Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường và các chế tài xử phạt?
Bạn đọc Anh Tú.
Luật sư tư vấn
Luật sư Nguyễn Thị Huyền (Văn phòng luật sư Hà Hải và cộng sự) tư vấn, hiện nay bạo lực học đường không chỉ mang tính bạo lực thể xác mà còn là gây áp lực và bạo lực về cả tinh thần thông qua lời nói, mạng xã hội, gây lo lắng và hậu quả nghiêm trọng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường như tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, việc thực hiện quy chế học đường chưa thực sự nghiêm túc ở một số nơi, trách nhiệm của người lớn, bao gồm người đứng đầu trường học, giáo viên chủ nhiệm có nơi chưa làm hết trách nhiệm, vai trò của gia đình, tác động của mạng xã hội phim ảnh…
Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi bạo lực học đường
Nhằm hạn chế hành vi và bảo vệ quyền lợi trẻ em dưới sự tác động và ảnh hưởng của bạo lực học đường, pháp luật đã quy định những chế tài đối với hành vi bạo lực như sau:
- Xử phạt hành chính:
Căn cứ theo điều 5 luật Xử lý vi phạm hành chính thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý.
Căn cứ theo điều 22 luật Xử lý vi phạm hành chính thì cá nhân có hành vi bạo lực học đường có thể bị phạt cảnh cáo nếu hành vi đó chưa gây ra những hậu quả nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện.
Như vậy, đối với biện pháp xử phạt hành chính, cá nhân thực hiện hành vi bạo lực học đường do cố ý, chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng và có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị xử phạt cảnh cáo.
- Về trách nhiệm dân sự
Căn cứ theo điều 590, điều 591 và điều 592 bộ luật Dân sự thì các đối tượng thực hiện hành vi bạo lực học đường có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín nếu phát sinh thiệt hại trên thực tế.
- Về trách nhiệm hình sự
Trong trường hợp các em đã đáp ứng điều kiện về tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo điều 12 bộ luật Hình sự, thì tùy thuộc vào hành vi có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với các tội như: giết người; cố ý gây thương tích; gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc làm nhục người khác; tùy theo mức độ mà xử phạt khung hình phạt khác nhau.
Tuy nhiên, do chính sách khoan hồng của Nhà nước nên việc áp dụng mức hình phạt cho người chưa thành niên luôn thấp hơn rất nhiều so với người đã trưởng thành.
Đề xuất và kiến nghị
Luật sư cho rằng, nhằm giải quyết triệt để vấn đề bạo lực học đường, cần ưu tiên xây dựng nền tảng giáo dục vững chắc cho các em như tăng cường giáo dục về đạo đức và kỹ năng xã hội. Trong đó, nhà trường và gia đình cần chú trọng nâng cao việc giảng dạy, định hướng con trẻ trong suy nghĩ, giao tiếp, quản lý cảm xúc và giải quyết xung đột.
Đồng thời, cần tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc tư vấn tâm lý học đường để trẻ được hỗ trợ, chia sẻ khi gặp các vấn đề về cảm xúc, giúp trẻ giải quyết các xung đột và có hướng giải quyết phù hợp.
Ngoài ra, cần nâng cao vai trò của gia đình như cha mẹ cần tích cực quan tâm, bày tỏ tình yêu, lắng nghe và trao đổi nhiều hơn với con cái. Tăng cường hoạt động ngoại khóa, tạo các sân chơi trẻ em để giúp trẻ có cơ hội tiếp xúc với mọi người, nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử.
Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường cần tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ nhưng vẫn đảm bảo tôn trọng quyền riêng tư của trẻ trong việc sử dụng mạng xã hội. Giúp trẻ nhận thức về hậu quả pháp lý về hành vi bạo lực trên không gian mạng, khuyến khích trẻ ứng xử văn hóa, văn minh, biết tôn trọng và đồng cảm với nhau...
Bình luận (0)