Bóng đá Ai Cập đang đối mặt với cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trong lịch sử sau vụ bạo loạn đẫm máu trong một trận đấu ở giải vô địch quốc gia hôm 1.2.
“Xóa tên” CLB Al-Ahly
|
Hôm qua, sau khi Thủ tướng Ai Cập quyết định sa thải toàn bộ lãnh đạo của LĐBĐ nước này, bóng đá Ai Cập tiếp tục đối mặt với một tương lai ảm đạm khi hàng loạt quan chức đội bóng, HLV và cầu thủ từ chức. Theo đó, tất cả cầu thủ của CLB Al-Ahly đã quyết định từ giã sự nghiệp khi chứng kiến vụ bạo loạn đẫm máu sau trận thua Al-Masry 1-3 trên sân vận động Port Said. Trong số này, có 3 tuyển thủ quốc gia như Mohamed Aboutrika và Mohamed Barakat, những người hơn 70 lần thi đấu cho tuyển Ai Cập. “Tôi không muốn chơi bóng đá một lần nào nữa. Bạo lực bóng đá dường như đang được sử dụng như một công cụ để thực hiện một mưu đồ chính trị”, Aboutrika nói với Reuters. Ngoài các cầu thủ, HLV người Bồ Đào Nha Manuel Jose của CLB Al-Ahly cũng yêu cầu lãnh đạo đội bóng thanh lý hợp đồng trước hạn để sớm rời khỏi Ai Cập. Tương tự, Chủ tịch CLB Al-Masry Kamel Abu Ali và HLV của đội bóng này là Hossam Hassan cũng thông báo quyết định từ chức.
Sự việc trên lập tức gây rúng động trong thể thao Ai Cập nói riêng và châu Phi nói chung khi CLB Al-Ahly là một trong những đội bóng giàu thành tích nhất quốc gia này và lục địa đen. Năm 2000, Al-Ahly từng được bình chọn là đội bóng xuất sắc nhất thế kỷ với kỷ lục 6 lần lên ngôi ở African Champions League, cùng 36 chức vô địch giải quốc nội.
Bạo lực tăng nhiệt
Việc cả đội Al-Ahly giã từ bóng đá cùng với hình ảnh cảnh sát, quân đội thờ ơ trước sự cố đẫm máu ở Port Said đã khiến CĐV phẫn nộ. Hôm qua, hơn 10 ngàn CĐV của CLB Al-Ahly và Zamalek đã bao vây trụ sở Bộ Nội vụ Ai Cập và quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo với nhiều biểu ngữ và đòi “xử” các lãnh đạo của Hội đồng quân sự cầm quyền. Và một cuộc đụng độ dữ dội đã xảy ra giữa CĐV với cảnh sát. CĐV đốt, phá hàng rào kẽm gai bao quanh trụ sở Bộ Nội vụ, ném đá vào cảnh sát tạo nên một cuộc xô xát mạnh giữa hai bên khiến hơn 628 người bị thương, chủ yếu do hít phải hơi cay. “Đó không phải là một tai nạn thể thao (ý nói đến vụ bạo loạn đẫm máu ở Port Said hôm 1.2), mà là một cuộc thảm sát của quân sự”, đám đông CĐV hô vang.
Chưa dừng lại đó, tại thành phố Suez, hàng trăm CĐV cũng tuần hành để phản đối thái độ thờ ơ của lực lượng an ninh trong vụ bạo loạn ở Port Said. Họ ném bom xăng vào trụ sở an ninh địa phương và cảnh sát buộc lực lượng này phải dùng hơi cay để giải tán đám đông. Thông tin ban đầu cho biết có 2 CĐV bị bắn chết cùng hơn 30 người khác bị thương. Trong khi đó, ở Port Said, hàng ngàn CĐV của CLB Al-Ahly cũng bao vây các trụ sở cơ quan an ninh nhưng không xảy ra đụng độ, vì chỉ huy lực lượng an ninh và thống đốc địa phương này đã bị sa thải và cách chức trước đó.
Đã được sắp đặt trước?? Hôm qua, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter đã yêu cầu LĐBĐ Ai Cập phải gửi một báo cáo đầy đủ về vụ bạo loạn đẫm máu ở Port Said. Trong khi đó, ông Walter Gagg, một quan chức FIFA và cố vấn của LĐBĐ châu Phi, cho hay vụ bạo loạn nói trên nhiều khả năng đã được sắp đặt trước trận đấu. Ông này khẳng định sân vận động Port Said đạt những tiêu chuẩn an toàn trong thi đấu và CĐV trên khán đài do ông từng là thành viên kiểm tra sân vận động nói trên trước giải CAN 2006 và U.20 World Cup 2009 diễn ra tại Ai Cập. T.N |
Nguyên Khoa
Bình luận (0)