Bảo mật thông tin mạng: Kỹ năng thiết yếu nhưng nhiều người ngó lơ

28/10/2024 08:00 GMT+7

Hiện nay nhiều người hoang mang trước nguy cơ bị hacker tấn công và lạm dụng tài khoản cá nhân cho những mục đích xấu. Dù nhận thức được rủi ro nhưng không ít người vẫn bỏ qua hoặc lúng túng, chưa biết làm cách nào để bảo mật thông tin cá nhân một cách hiệu quả.

Chuyên gia bảo mật, an ninh mạng Ngô Minh Hiếu, Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, trực thuộc Bộ TT-TT, cho biết: "Mặc dù đã có sự xuất hiện của nhiều công cụ bảo mật thông tin cá nhân, nhưng người trẻ thường không biết cách sử dụng hoặc bỏ qua các bước bảo vệ cơ bản".

Rất chủ quan về bảo mật thông tin cá nhân ?

Khi được hỏi: "Bạn thường làm gì để bảo mật thông tin cá nhân?", thì Phạm Tuấn Vũ (28 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) thừa nhận anh chưa từng quan tâm vấn đề này. "Mình chỉ dùng Facebook để lướt tin tức, nhắn tin với bạn bè cho vui nên chưa bao giờ nghĩ đến việc bảo mật tài khoản", anh Vũ chia sẻ. Theo anh, hacker thường nhắm vào những người nổi tiếng hoặc tài khoản có nhiều lượt tương tác, còn những người dùng bình thường như anh, không đăng tải nhiều thông tin cá nhân thì không đáng lo ngại.

Bảo mật thông tin mạng: Kỹ năng thiết yếu nhưng nhiều người ngó lơ- Ảnh 1.

Nhiều người dùng mạng xã hội nhưng lơ là việc bảo mật thông tin cá nhân

ẢNH: KIM ANH

Cùng tâm lý đó, Nguyễn An Như (23 tuổi) cho biết thỉnh thoảng thấy báo chí đưa tin về các vụ lừa đảo, nhưng Như cũng không chủ động tìm hiểu rõ chi tiết sự việc. "Mình thấy tài khoản của mình cũng không có gì để hacker lấy cắp", Như chia sẻ.

Không chỉ người trẻ mà phần lớn người dùng mạng xã hội hiện nay vẫn chưa nhận thức đầy đủ rủi ro từ các hành động của mình, dẫn đến tâm lý chủ quan. Đây chính là thách thức lớn nhất mà chúng ta đang đối mặt. Nhiều người tin rằng bản thân không phải là mục tiêu đáng chú ý của hacker, nên thường ít đầu tư vào bảo mật thông tin cá nhân, vô tình tạo cơ hội cho các rủi ro an ninh.

Ông PHẠM VĂN HẬU, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng, ĐH Quốc gia TP.HCM

Không chỉ mang tâm lý chủ quan, nhiều bạn trẻ cho biết vẫn duy trì thói quen sử dụng một mật khẩu cho nhiều tài khoản dù biết việc này có rủi ro không an toàn. Tô Quốc Bảo (sinh viên Trường ĐH Sài Gòn) chia sẻ: "Mình biết để an toàn thì cần đặt mật khẩu dài, chứa nhiều ký tự phức tạp và không dùng chung cho các tài khoản. Tuy nhiên, vì tính hay quên nên mình vẫn đặt cùng một mật khẩu cho tiện".

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Hậu, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: "Không chỉ người trẻ mà phần lớn người dùng mạng xã hội hiện nay vẫn chưa nhận thức đầy đủ rủi ro từ các hành động của mình, dẫn đến tâm lý chủ quan. Đây chính là thách thức lớn nhất mà chúng ta đang đối mặt. Nhiều người tin rằng bản thân không phải là mục tiêu đáng chú ý của hacker, nên thường ít đầu tư vào bảo mật thông tin cá nhân, vô tình tạo cơ hội cho các rủi ro an ninh".

Bảo mật thông tin mạng: Kỹ năng thiết yếu nhưng nhiều người ngó lơ- Ảnh 2.

Người trẻ cần nhận thức rõ những rủi ro tiềm ẩn từ các hành động hằng ngày của mình khi sử dụng mạng xã hội

ẢNH: KIM ANH

Tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

Nói thêm về các rủi ro, ông Phạm Văn Hậu lý giải qua thói quen chia sẻ cuộc sống trên mạng xã hội, người dùng có thể làm lộ khuôn mặt, giọng nói, thông tin định danh và gia đình. Họ thường nghĩ việc chia sẻ với một nhóm bạn bè giới hạn là an toàn. Tuy nhiên, nếu chia sẻ một cách quá thoải mái trong thời gian dài, họ có thể vô tình tạo ra cơ hội cho kẻ xấu khai thác thông tin cá nhân, lợi dụng để giả dạng hoặc tạo ra nội dung deepfake (công nghệ tạo hình ảnh, âm thanh và video giả mạo) gây ra những rủi ro nghiêm trọng về an ninh cá nhân.

Đồng ý với quan điểm này, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu cũng cho biết hacker không chỉ nhắm vào những cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn hay nhiều tài sản, mà còn tập trung vào người dùng bình thường bởi các đối tượng này thường ít chú ý đến bảo mật, dẫn đến việc tấn công dễ dàng hơn.

"Người dùng có thể không nhận ra rằng tài khoản mạng xã hội của họ có thể liên kết với nhiều dịch vụ khác, ví dụ: email, các dịch vụ thanh toán..., và một khi hacker kiểm soát được một tài khoản, họ có thể truy cập các tài khoản khác. Bên cạnh đó, dù không nổi tiếng hay giàu có, thông tin cá nhân như số căn cước công dân, thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người dùng bình thường vẫn có giá trị với hacker, có thể bị bán trên dark web hoặc sử dụng để thực hiện các vụ lừa đảo khác", anh Ngô Minh Hiếu nhấn mạnh.

Khi tài khoản bị hack, kẻ tấn công có thể truy cập tin nhắn riêng tư, hình ảnh và các thông tin cá nhân quan trọng. Những dữ liệu này có thể bị lạm dụng cho các hành vi phạm pháp như tống tiền, lừa đảo người thân, hoặc bôi nhọ danh tiếng của nạn nhân. "Ngoài ra, tài khoản bị hack còn có thể trở thành công cụ phát tán liên kết chứa mã độc hoặc lừa đảo phishing (tấn công giả mạo), gây nguy hiểm không chỉ cho nạn nhân mà cả cộng đồng người dùng", anh Hiếu nhận định.

Chuyên gia Phạm Văn Hậu cũng nhấn mạnh để tăng cường bảo mật thông tin và an ninh mạng, điều cốt lõi nằm ở việc nâng cao ý thức của người trẻ. "Cần nhận thức rõ những rủi ro tiềm ẩn từ các hành động hằng ngày của mình, những ai chưa quan tâm đến vấn đề này thường có nguy cơ cao bị hacker tấn công", ông cho biết. 

Cần làm gì để tăng cường bảo mật ?

Theo chuyên gia Phạm Văn Hậu, người trẻ có thể tăng cường bảo mật với các bước sau:

1. Kích hoạt xác thực hai yếu tố (2FA): Yêu cầu mã xác thực ngoài mật khẩu để ngăn chặn truy cập trái phép.

2. Sử dụng mật khẩu mạnh, duy nhất: Tạo mật khẩu phức tạp và sử dụng trình quản lý mật khẩu để lưu trữ an toàn.

3. Cài đặt quyền riêng tư hợp lý: Kiểm tra quyền riêng tư để kiểm soát ai xem được thông tin cá nhân, giảm nguy cơ kẻ xấu lạm dụng.

4. Tránh nhấp vào liên kết đáng ngờ: Cảnh giác với liên kết từ nguồn không rõ ràng để tránh mã độc và web lừa đảo, đánh cắp thông tin.

5. Cẩn trọng với yêu cầu kết bạn và tin nhắn lạ: Tránh chấp nhận kết bạn từ tài khoản mới hoặc ít bạn chung để ngăn lừa đảo.

6. Chọn lọc ứng dụng, dịch vụ: Tránh ứng dụng "miễn phí" từ nguồn không rõ ràng, vì có thể chứa mã độc.

7. Kiểm soát quyền truy cập ứng dụng: Chỉ cấp quyền cần thiết cho ứng dụng để tránh rủi ro bảo mật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.