Nhưng trước chị Thùy Trâm cả một thế hệ, bài hát này còn là gợi ý cho bài thơ bất tử Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan.
Bài hát ấy tên là Suliko.
Hóa ra, bài Suliko này tôi đã từng thuộc và từng nghêu ngao suốt những năm ở chiến trường Nam bộ. Chúng tôi hồi ấy rất thích các bài hát Nga, gọi chung là các bài hát Liên Xô. Bài Suliko này là bài hát của Gruzia, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ). Có thể nó ra đời trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô chống phát xít Đức, và nhanh chóng được phổ biến ra rất nhiều nước châu Âu.
Con đường bài hát Suliko qua Việt Nam với lời Việt ngữ, theo nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nói với tôi, là bắt đầu từ bản dịch qua tiếng Pháp của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Khi ấy, nhạc sĩ Phạm Tuyên đang dạy nhạc cho trẻ em ở Khu học xá Trung ương tại Nam Ninh (Quảng Tây-Trung Quốc).
Nhưng điều thật sự thú vị là, theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, từ kháng chiến chống Pháp, tướng Nguyễn Sơn đã mang bài hát Suliko - bản tiếng Pháp - từ Trung Quốc về Việt Nam. Và chính tướng Nguyễn Sơn đã hát (bằng tiếng Pháp) cho nhà thơ Hữu Loan nghe. Dĩ nhiên, cũng cho nhiều người khác nghe nữa. Nhà thơ Hữu Loan đã rất thích bài hát này. Ông đã từng thổ lộ với Nguyễn Thụy Kha, là khi vợ ông, bà Lê Đỗ Thị Ninh qua đời ở quê Thanh Hóa, chính bài hát Suliko đã gợi ý cho Hữu Loan viết bài thơ Màu tím hoa sim khóc vợ mình. Và bài thơ ấy đã nổi tiếng khắp Việt Nam, sau này thành bài thơ bất tử làm nên tên tuổi Hữu Loan.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bài hát Suliko lại một lần nữa "xuất trận" cùng những thanh niên có học ở miền Bắc, chủ yếu ở Hà Nội, khi họ mang bài hát này vào chiến trường miền Nam.
Chị Đặng Thùy Trâm là một trong những sinh viên "tiểu tư sản" Hà Nội đã rất yêu thích bài hát Suliko, và bài hát đã theo chị vào chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi.
Cũng theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, trước đó, khi đang học Đại học Y Hà Nội, chị Thùy Trâm đã cùng một người bạn học nữ song ca bài hát Suliko này trong một cuộc thi biểu diễn ca khúc tại trường Y, và đã đoạt huy chương vàng.
Hóa ra, một bài hát tận Gruzia lại trở nên quá thân thiết với thanh niên Việt Nam qua cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã thành thơ, đã được hát bằng tiếng Việt trên các chiến trường Việt Nam.
Bác sĩ - liệt sĩ - anh hùng Đặng Thùy Trâm, người sau khi hy sinh ngót 35 năm, đã nổi tiếng khắp thế giới qua tác phẩm Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Khi dịch ra tiếng Anh và xuất bản tại Mỹ, nhật ký này mang tên Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình. Chị Thùy Trâm đã rất yêu bài hát Suliko, một bài hát cực kỳ giản dị, chỉ có 4 câu nhạc, và phần lời chính (đoạn lời 1), qua bản dịch từ tiếng Pháp của Phạm Tuyên, là như thế này :
SULIKO
(Bài hát Gruzia - Bản dịch qua tiếng Pháp của nhạc sĩ Phạm Tuyên)
Bao đêm ngày tôi đi kiếm tìm quanh
Nơi nao người tôi yêu nấm mồ xanh
Lang thang tìm không thấy tôi đi cho đến bao giờ
Chín suối em hay chăng, Suliko.
Một ca khúc chỉ có 4 câu nhạc, mà trở nên bất tử, lan truyền khắp thế giới, đủ biết, nghệ thuật âm nhạc khi đã lên đỉnh, thì mặc dù rất ngắn gọn, vẫn có sức lan tỏa rộng lớn như thế nào.
Chị Thùy Trâm đã yêu bài hát mang tính dự báo đầy đau thương về chính số phận của chị, và sau khi chị Thùy Trâm hy sinh, ai là người sẽ hát bài Suliko này, nếu không phải là người chị từng yêu tha thiết - anh Nguyên Mộc. Có thể, anh Nguyên Mộc là người đã dạy cho chị Thùy Trâm bài hát này.
Vâng, anh Nguyên Mộc, sau này, là một người anh kết nghĩa mà tôi thương yêu như anh ruột, anh Khương Thế Hưng. Anh Hưng là con trai nhà thơ Khương Hữu Dụng, người bác mà tôi thân thiết và kính yêu. Hóa ra, bài hát Suliko lại như tình cờ "dính" vào tôi, mãi sau này tôi mới biết. Trong một bài thơ tôi viết từ 11 năm trước để tưởng nhớ chị Thùy Trâm, vẫn có tên bài hát Suliko kỳ lạ ấy:
Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình
(Tưởng nhớ chị Đặng Thùy Trâm)
con đường mòn bước chân lặng lẽ
chị hối hả quay về trạm xá
nơi những thương binh đang chờ
có giấc mơ như mây bay nóc rừng
có giấc mơ buồn như cây cụt ngọn
có giấc mơ bé bỏng
"đêm qua tôi mơ thấy hòa bình"
vào đúng lúc chị Trâm mơ thấy hòa bình
súng nổ
những viên đạn găm vào giấc mơ
găm vào mối tình dang dở
vì sao chưa bao giờ anh Hưng kể với tôi về chị
vì sao anh muốn giấu
giấc mơ tình yêu bị đạn găm vào?
"đêm qua tôi mơ thấy hòa bình"
thấy được về ngôi nhà cha mẹ
rưng rưng bên các em mình
rưng rưng cây hoa ngày xưa cũ
bao năm cách xa vẫn một bài hát ấy
Suliko
"đêm qua tôi mơ thấy hòa bình"
súng nổ
đêm qua
chị mơ thấy
hòa bình
súng nổ
giấc mơ như mây bay nóc rừng
bé nhỏ.
6.6.2012
Bình luận (0)