(Tin Nóng) Trong những năm tới, tiêm kích Su-35 sẽ là loại máy bay xuất khẩu chủ lực của Nga như đã thành công với Su-27, Su-30 trước đó, theo Lenta ngày 15.7.
Tiêm kích Su-35 sẽ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành công nghiệp quốc phòng Nga - Ảnh: RIA
|
Dòng tiêm kích thế hệ 4++
Theo báo này, sau khi thành công trong việc xuất khẩu các máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30 trong nhiều thập niên, gần đây Nga không có được các hợp đồng lớn về xuất khẩu chiến đấu cơ. Và hiện Nga kỳ vọng sẽ có lại các hợp đồng này thông qua mặt hàng chủ lực là tiêm kích thế hệ 4++, chiếc Su-35.
Từ những năm 1980 Liên Xô bắt tay nghiên cứu phát triển dòng chiến đấu cơ mới và ra đời Su-27 trên cơ sở mẫu máy bay T-10. Tiêm kích Su-27 thời đó đã khiến thế giới kinh ngạc vì hình dáng lẫn khả năng tác chiến với việc ném bom và phóng tên lửa (không điều khiển). Chiếc Su-27M đầu tiên cất cánh tháng 6.1988, và sau này Su-27 liên tục cải tiến và có thể tiếp dầu từ trên không. Từ dòng Su-27 đã ra thêm biến thể Su-33 cho tàu sân bay và sau đó là Su-30 xuất khẩu sang nhiều nước.
Năm 2006, Nga bắt đầu cải tiến Su-27 để trở thành loại máy bay chiến đấu thế hệ giao thời giữa thế hệ 4 và thế hệ 5 (tàng hình), gọi là thế hệ 4++. Đó là việc hiện đại hóa các hệ thống điện tử, động cơ, gia tăng các chức năng tác chiến, vũ khí... ngang ngửa máy bay tàng hình nhưng không có cải tiến quan trọng nào về hình dạng thân máy bay.
Năm 2008, chiếc Su-35 đầu tiên bay thử, và đã thử nghiệm đến 650 chuyến bay trong 4 năm. Năm 2009, ngay lúc còn thử nghiệm, Không quân Nga đã ký hợp đồng mua 48 chiếc Su-35S, thời hạn giao hàng đến năm 2015. Chiếc đầu tiên đã được giao cho Không quân Nga năm 2012.
Ngày 16.7, hãng tin RIA cho hay Nhà máy Komsomolsk-on-Amur của tập đoàn Sukhoi thông báo bàn giao 14 chiếc Su-35S cho Không quân Nga trong năm 2015.
Hình dáng bên ngoài của Su-35 không khác Su-27. Tuy nhiên cải tiến quan trọng nhất là radar của Su-35, loại radar chủ động mảng pha N035 Irbis có thể quét xa 400 km, cùng radar quang học hiện đại giúp phi công bắt được tín hiệu máy bay địch cho dù có dùng công nghệ tàng hình.
|
Buồng lái của Su-35 hoàn toàn dùng kỹ thuật số, với 2 màn hình lớn hiển thị mọi thông số cho phi công
|
Buồng lái của Su-35 hoàn toàn dùng kỹ thuật số, thay vì các bảng đồng hồ phu71c tạp trên Su-27 thì Su-35 có 2 màn hình LCD cỡ lớn hiển thị đủ chi tiết, thông tin cho phi công. Hầu hết hoạt động của máy bay đều do máy tính thực hiện, kể cả chọn vũ khí giúp phi công.
Động cơ cải tiến giúp Su-35 có thể bay sát mặt đất, đánh đòn bất ngờ.
Su-35 có 12 giá gắn vũ khí hai bên cánh có thể mang các loại bom thông minh lẫn tên lửa không đối không, không đối đất đến tên lửa diệt hạm, và 1 pháo 30 mm. Khối lượng vũ khí mang theo lên đến 8 tấn.
Các chuyên gia Nga cho rằng Su-35 của Nga hơn hẳn máy bay của châu Âu và Mỹ như F-15, F-16, F-18 chỉ có thể so sánh với F-22 hoặc F-35 tàng hình của Mỹ, và giá thì không cao hơn máy bay hiện đại của phương Tây.
Su-35 bay cao 19 km, tốc độ 2.500 km/giờ, bán kính tác chiến 1.600 km, tấn công các mục tiêu trên không, trên đất liền và trên biển trong mọi thời tiết.
Khách hàng tiềm năng
Khách hàng đầu tiên của Su-35 được cho là Trung Quốc, tuy nhiên nước này không muốn mua nhiều so với yêu cầu ban đầu của Nga là phải mua tối thiểu 48 chiếc. Một hợp đồng lớn kèm các điều khoản trừng phạt để phòng ngừa Trung Quốc cố gắng sao chép Su-35 như đã từng xảy ra khi Trung Quốc sao chép Su-27 thành máy bay J-11.
Tuy nhiên cuối cùng 2 bên thỏa thuận Trung Quốc mua 24 chiếc Su-35 với tổng giá trị đến hơn 3 tỉ USD, bao gồm chi phí chế tạo máy bay, phụ tùng, vũ khí, huấn luyện, bảo dưỡng... Lenta cho rằng Trung Quốc dự định nghiên cứu Su-35 để áp dụng cho máy bay chiến đấu thế hệ mới mà nước này đang thực hiện, nhưng có lẽ điều này sẽ mất 10 - 12 năm. Thời gian đó là đủ cho Nga hiện đại hóa Su-35 và cho xuất khẩu máy bay tàng hình như T-50 PAK FA.
Su-35 tiếp nối thành công của các dòng Su-27, Su-30 trước đó - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
|
Sau Trung Quốc, các khách hàng tiềm năng khác gồm có Brazil, Indonesia, Pakistan và vài nước khác. Báo cáo mới đây của Tập đoàn sản xuất hệ thống liên lạc hàng không Polet (Flight, Nga) cho biết trong vòng 4 năm tới, Bộ Quốc phòng Nga sẽ đặt mua tổng cộng 96 chiếc Su-35 và 4 khách hàng nước ngoài cũng nhận được loại tiêm kích đa năng này, gồm 24 chiếc giao cho Trung Quốc và 60 chiếc giao cho Việt Nam, Venezuela và Indonesia.
Lenta dẫn lời các chuyên gia cho rằng ít có khả năng có hợp đồng cung cấp Su-35 cho Venezuela vì tình hình kinh tế nước này không thuận lợi cho việc đặt mua đơn hàng lớn. Việt Nam được ước tính là khách hàng tiềm năng khá cao, nhưng người ta tin rằng Hà Nội chỉ đặt mua vào cuối thập niên này. Còn vị trí của Indonesia là khó dự đoán, do quá trình khó khăn trong việc ra quyết định tại quốc gia này.
Xem tiêm kích Su-35S của Không quân Nga thực tập tác chiến (Đài truyền hình quân đội Nga)
|
Anh Sơn
>> Đến năm 2020, Việt Nam có tiêm kích Su-35
>> Vũ khí Nga vẫn được chuộng dù bị phương Tây o ép
>> Nga sử dụng vũ khí gì đối phó F-22 của Mỹ?
>> Nga bán 24 tiêm kích Su-35 cho Trung Quốc trước cuối năm 2015
>> Tiêm kích Sukhoi, chiến đấu cơ chủ lực của Không quân Nga
>> Nga - Trung Quốc chưa đạt được hợp đồng mua tiêm kích Su-35
>> Indonesia chọn mua tiêm kích Su-35 thay thế máy bay F-5
Bình luận (0)