(Tin Nóng) Trung Quốc đối mặt tên lửa tàu ngầm Nga là tiêu đề bài viết trên báo Gazeta (Nga) ngày 17.2 khi đề cập sức mạnh của đội tàu ngầm Kilo (do Nga sản xuất) mang tên lửa Klub của Việt Nam trước tình hình Trung Quốc liên tiếp gây căng thẳng ở Biển Đông, nhất là việc đưa tên lửa phòng không ra đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng.
Tàu ngầm Kilo Nga đang phóng tên lửa Klub diệt quân IS ở Syria tháng 12.2015. Các tàu ngầm Kilo Nga đóng cho Việt Nam đều có khả năng này - Ảnh từ clip
|
Theo bài báo, gần đây Mỹ và Đài Loan phát hiện Trung Quốc đưa tên lửa phòng không (HQ-9) ra đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng, gây lo ngại cho cả khu vực. Tạp chí Diplomat (Nhật) cũng cho hay Trung Quốc còn đưa trực thăng săn ngầm Z-18 ra đảo Quang Hoà thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Để đáp trả cứng rắn những hành động hung hăng của Trung Quốc từ trước đến nay, Việt Nam đã gia tăng phòng thủ với đội tàu ngầm Kilo do Nga đóng.
Trung Quốc đối mặt sức mạnh tàu ngầm Kilo của Việt Nam
Gazeta cho biết ngày 2.2, Việt Nam đã đón chiếc tàu ngầm Kilo mang tên Đà Nẵng vào quân cảng Cam Ranh. Đây là chiếc tàu ngầm lớp Kilo 636 thứ 5 trong hợp đồng 6 chiếc Nga đóng cho Việt Nam, ký kết hồi cuối năm 2009. Theo hợp đồng này, đến cuối năm 2016 phía Nga sẽ bàn giao đủ 6 chiếc cho hải quân Việt Nam. Hiện chiếc thứ 6 là Bà Rịa - Vũng Tàu đang được cho chạy thử nghiệm ở Baltic.
Tàu ngầm Việt Nam tại Cam Ranh - Ảnh: Nguyễn Chung
|
Đội 5 chiếc tàu ngầm Kilo của Hải quân Việt Nam tại căn cứ Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà. Chiếc ở giữa là 186 Đà Nẵng - Ảnh: Bảo Nam
|
Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane's (Anh), cả 6 chiếc tàu ngầm Kilo Nga đóng cho Việt Nam đều trang bị tên lửa hành trình diệt hạm loại Klub-S là phiên bản xuất khẩu của tên lửa diệt hạm 3M-54 Kalibr. Ngoài ra, theo Reuters, năm ngoái Việt Nam đã đặt mua thêm loại tên lửa hành trình 3M-14K phóng từ tàu ngầm có khả năng tấn công các mục tiêu trên đất liền ở khoảng cách tối đa 290 km.
Tại Việt Nam hiện có các chuyên gia Nga huấn luyện đào tạo lực lượng quân nhân tàu ngầm Việt Nam. Hiện nay Hải quân Việt Nam đang có 4 tàu ngầm đã đi vào hoạt động.
Sức mạnh từ tên lửa bờ biển, tên lửa phòng không S-300
Bên cạnh tàu ngầm Kilo có thể phóng tên lửa Klub, Việt Nam còn có 2 tổ hợp tên lửa bờ biển K300 Bastion-S (tầm bắn 290 km) và 2 hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 đều do Nga cung cấp.
Dàn tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion sẵn sàng chiến đấu - Ảnh: Quế Hà |
Sơ đồ tác chiến của 1 hệ thống tên lửa bờ biển Bastion |
Trong tháng 1.2016, Việt Nam đã đồng ý cho phép Ấn Độ đặt trạm thu tín hiệu vệ tinh tại Việt Nam, và đổi lại phía Ấn Độ sẽ chia sẻ thông tin tình báo và hình ảnh vệ tinh giám sát Biển Đông với Việt Nam.
"Việt Nam sẽ mua nhiều vũ khí Nga, và đứng sau Ấn Độ về tiêu thụ vũ khí Nga”, ông Alexander Khramchikhin, phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự tại Moscow nói với báo Gazeta.
Tuy nhiên ông Khramchikhin lưu ý không nên cho rằng Trung Quốc gia tăng sự hiện diện quân sự để đáp trả việc Việt Nam mua vũ khí Nga, mà chính là “Việt Nam cần vũ khí của chúng ta bởi vì Trung Quốc đang dần dần mở rộng sự hiện diện quân sự tại Biển Đông”.
Xe bệ phóng tên lửa phòng không S-300 triển khai sẵn sàng chiến đấu - Ảnh: Vũ Quang Thái |
Việt Nam tăng cường quan hệ với Mỹ vì vai trò của Nga đang giảm?
Bài báo của Gazeta cũng cho biết một lý do mà Trung Quốc đưa tên lửa phòng không ra Hoàng Sa là nhằm đối phó với sự hiện diện của quân đội Mỹ qua các chuyến tuần tra của hải quân Mỹ bằng tàu chiến và máy bay trinh sát tại Biển Đông. Trung Quốc thường phản đối các cuộc tuần tra này của Mỹ ở Biển Đông vì cho rằng Biển Đông là của mình (?).
Gazeta cũng nhắc lại vụ tàu khu trục USS Lassen của Mỹ tuần tra sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở quần đảo Trường Sa hồi tháng 10.2015 đã gây sốc cho Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Alexander Lomanov của Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Nga) nói với Gazeta rằng Trung Quốc đã quyết định đáp trả Mỹ bằng việc đưa tên lửa phòng không ra đảo Phú Lâm. Theo ông, đảo Phú Lâm lâu nay đã trở thành căn cứ không quân của Trung Quốc. Việc xuất hiện thêm khí tài quân sự mới không ảnh hưởng nhiều đến sự cân bằng quân sự ở khu vực Biển Đông. Trái lại việc đưa tên lửa ra Hoàng Sa là cách Trung Quốc muốn rằng Mỹ phải suy nghĩ kỹ trước khi hành động.
Mỹ đang muốn gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Reuters ngày 16.2 đưa tin Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm Việt Nam trong tháng 5.2016. Quyết định này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Sunnylands, California nhân hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại đây. Gazeta cho hay Mỹ và Việt Nam từng là kẻ thù của nhau, đã bình thường hoá quan hệ từ năm 1995. Trong 20 năm qua, kim ngạch thương mại giữa 2 nước đã tăng 20 lần, đạt 35 tỉ USD vào năm 2015.
Chuyên gia Alexander Khramchikhin cũng thừa nhận rằng "Việt Nam đang phát triển quan hệ với Mỹ vì Nga bây giờ là nước không thể cung cấp sự bảo vệ trước các hành vi hung hăng của Trung Quốc”. Ông Khramchikhin lý giải nguyên nhân là do khủng hoảng ở Ukraine và sự đóng băng quan hệ giữa Nga với Phương Tây nên Điện Kremlin quyết định quay về hướng Đông, và đặt quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc.
Anh Sơn
>> Sức mạnh quân sự Việt Nam đứng thứ 21 thế giới
>> Băng đã tan, tàu ngầm Bà Rịa - Vũng Tàu bắt đầu thử nghiệm
>> Thăm trường Ấn Độ đào tạo quân nhân tàu ngầm Việt Nam
>> Tàu ngầm Kilo: Mối đe dọa từ dưới lòng biển
>> Xem tàu ngầm Kilo Nga lần đầu phóng tên lửa Klub diệt IS
>> Tên lửa diệt hạm Klub: Kẻ thiêu xác tàu chiến
>> Mạng Ấn Độ: Uy lực tên lửa Klub của tàu ngầm Kilo Việt Nam
Bình luận (0)