Bao nhiêu người giúp sức ‘bà trùm’ sản xuất, buôn bán hơn 260 tỉ đồng sách giả?

14/09/2022 10:45 GMT+7

Trong 6 tháng đầu năm 2021, “bà trùm” sách giả Cao Thị Minh Thuận đã sản xuất, nhập về hơn 9,4 triệu quyển sách giáo khoa giả với giá theo bìa là hơn 260 tỉ đồng. Cơ quan điều tra xác định gần 20 bị can đã giúp sức “bà trùm” phạm tội.

Viện KSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Cao Thị Minh Thuận, cựu Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát (viết tắt là Công ty Phú Hưng Phát) về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả”.

Cùng vụ án, Viện KSND Tối cao cũng truy tố 32 bị can khác về các tội danh “sản xuất, buôn bán hàng giả”, “sản xuất hàng giả”, “mua bán hàng giả” “môi giới hối lộ”, “nhận hối lộ” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Bị can Trần Hùng (trái) và Nguyễn Duy Hải (người đưa hối lộ cho bị can Hùng)

công an cung cấp

Trong số 32 bị can này, ông Trần Hùng, cựu kiểm soát viên chính Tổng cục Quản lý thị trường Bộ Công thương, cựu Tổ trưởng Tổ 304 (nay là Tổ trưởng Tổ 1444), bị truy tố tội “nhận hối lộ”, với cáo buộc đã nhận 300 triệu đồng của “bà trùm” sách giả Cao Thị Minh Thuận để giúp người này không bị xử lý hình sự.

Sản xuất, buôn bán sách giả quy mô cực lớn trong nhiều năm

Theo cáo trạng, từ năm 2018, bị can Cao Thị Minh Thuận đã tổ chức sản xuất và đặt mua các loại sách giáo khoa (SGK) giả với số lượng đặc biệt lớn để bán cho các nhà sách từ Quảng Bình trở ra phía bắc.

Cụ thể, bà Thuận đã trực tiếp và chỉ đạo cấp dưới bàn bạc, thỏa thuận đặt in SGK của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Công ty cổ phần in Hà Nội; đặt in bản kẽm tại Công ty TNHH Tạp phẩm và vật tư ngành in, Công ty TNHH in và thương mại INP và các đối tượng khác để thực hiện việc in SGK giả.

Ngoài ra, nhóm đối tượng còn đặt mua tem giả Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và một số loại tem giả khác để dán lên sách giả; mua giấy in các loại, cung cấp bản kẽm cho các công ty và cá nhân in sách giả, sau đó giao cho các xưởng gia công các bản in và dán tem giả rồi đưa về kho cất giấu để bán ra thị trường.

Một kho sách giả của bị can Cao Thị Minh Thuận tại Hà Nội bị phát hiện

N.H

Đối với hành vi bán SGK giả, bị can Thuận đã chỉ đạo cấp dưới đến các cửa hàng sách chào hàng, lập 2 tài khoản Zalo “Nhà sách Minh Thuận 1” và “Nhà sách Minh Thuận 2” để khách hàng liên hệ đặt mua sách. Sau khi thống nhất chủng loại, số lượng, hai bên sẽ chốt đơn hàng theo từng hóa đơn, bà Thuận sẽ chiết khấu cho bên nhập từ 30 - 65% giá trên bìa.

Bị can Thuận cũng là người trực tiếp chỉ đạo nhân viên giao hàng cho khách bằng 3 hình thức: trực tiếp giao hàng, giao qua xe đường dài hoặc khách trực tiếp đánh xe hoặc thuê xe đến lấy.

Theo cáo trạng, để thực hiện hành vi phạm tội, bị can Thuận đã mua 5 xe tải làm phương tiện vận chuyển sách giả về kho và đi tiêu thụ. Bị can Thuận chỉ đạo cấp dưới đi thuê, quản lý các kho cất giấu sách giả trên địa bàn Hà Nội trong lúc chờ đi tiêu thụ.

Cơ quan điều tra xác định, trong 6 tháng đầu năm 2021, bị can Thuận đã tổ chức sản xuất và nhập kho hơn 9,4 triệu quyển SGK giả các loại với tổng trị giá sách theo bìa là hơn 260 tỉ đồng. Trong đó, tiêu thụ được hơn 6,3 triệu quyển, thu lời hơn 30 tỉ đồng.

Công an cũng xác định có 17 bị can trong vụ án đã giúp sức bị can Thuận sản xuất, buôn bán SGK giả; 5 bị can đã mua, tiêu thụ sách giả cho Thuận.

Ngoài ra, quá trình phạm tội, bị can Thuận bị lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, tuy nhiên sau khi nhận hối lộ 300 triệu đồng, bị can Trần Hùng đã hướng dẫn “bà trùm” thay đổi lời khai, chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện, giúp đỡ bà Thuận theo hướng xử lý hành chính.

Viện KSND Tối cao còn xác định hành vi của bị can Thuận có dấu hiệu tội “đưa hối lộ”. Tuy nhiên, bị can Thuận đã tích cực hợp tác, chủ động khai báo hành vi trước khi bị phát giác nên cơ quan tố tụng quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho bị can Thuận về hành vi này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.