Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP) cho biết đang trong kỳ lũ chính vụ. Ngày 25.9 mực nước tại Kratie ở Campuchia đạt 17,8 m, thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) 0,67 m.
Người dân miền Tây mưu sinh mùa nước nổi |
Duy Tân |
Mực nước ĐBSCL cũng đang ở mức thấp và biến đổi mạnh theo triều. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tại trạm Tân Châu và Châu Đốc tuần qua có xu hướng tăng do triều cường tăng và một phần do gia tăng lũ thượng nguồn đổ về. Mực nước lớn nhất ngày 24.9 tại Tân Châu trên sông Tiền đạt 2,84 m, thấp hơn TBNN 0,72 m; tại Châu Đốc trên sông Hậu đạt 2,55 m, thấp hơn TBNN 0,58 m.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 4 xảy ra trên lưu vực hạ lưu sông Mê Kông là lớn và phạm vi mưa khá rộng. Vì vậy, nhận định nguồn nước trên dòng chính sông Mê Kông khu vực hạ Lào và Campuchia trong thời gian tới sẽ tăng với cường suất cao. “Nguồn nước đầu nguồn sông Cửu Long nhận định tăng trong thời gian tới và đạt đỉnh lũ chính vụ ở mức 3,4 - 3,6 m tại Tân Châu vào khoảng ngày 9 - 11.10.2022, lũ nội đồng ĐBSCL tăng trong thời gian tới và biến đổi mạnh theo thủy triều”, SIWRP dự báo.
Tuy hiện nay mực nước trên vùng ĐBSCL đang ở mức thấp, nhưng thời gian tới sẽ tăng mạnh do mưa lũ thượng nguồn đổ về ở mức cao và kết hợp triều cường dâng cao. Mặt khác, theo nhận định của các trung tâm trong và ngoài nước, từ nay đến cuối mùa lũ vẫn còn xuất hiện các trận bão và áp thấp nhiệt đới có nguy cơ tác động trực tiếp gây mưa lớn trên lưu vực hạ lưu sông Mê Kông.
Bão số 4 (siêu bão Noru) đang quần thảo ở miền Trung, gây mưa lớn kinh hoàng |
Dự báo của MDM (Dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện sông Mê Kông) cũng cho rằng, bão Noru sẽ giúp cải thiện mực nước sông Mê Kông. Trong tuần qua, các đập thủy điện đã tích tổng cộng hơn 1 tỉ mét khối nước. Tổng lượng dòng chảy trong tháng 8 đến Stung Treng (Campuchia) thấp hơn khoảng 30% so với mức bình thường. Ước tính, nếu các đập ở thượng nguồn không tích trữ nước thì dòng chảy đến Stung Treng sẽ cao hơn khoảng 10%. Bên cạnh sự tích nước của các đập thủy điện phần lớn sông Mê Kông ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) vẫn rất khô. Thêm vào đó, phần lớn Lào khô hạn hơn bình thường do hạn hán nghiêm trọng hình thành dọc theo biên giới Thái Lan - Lào. Những yếu tố này gây nên sự thiếu hụt dòng chảy sông Mê Kông trong thời gian qua.
Bình luận (0)