(TNO) Báo Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT) sẽ tiếp tục xuất bản và số đầu tiên của bộ mới sẽ ra mắt bạn đọc vào ngày 3.3 sau số cuối cùng của bộ cũ phát hành vào hôm nay 28.2. Thông tin trên vừa được thông báo trên website Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online.
|
>> UBND TP.HCM trả lời về vụ Báo Sài Gòn Tiếp Thị
Theo thông cáo này, sáng nay 28.2, UBND TPHCM đã công bố giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông ký ngày 26.2, cho phép Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn tiếp tục xuất bản ấn phẩm SGTT, với tần suất 3 số mỗi tuần như trước (thứ hai, thứ tư và thứ sáu).
Cùng ngày 26.2, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ký quyết định thu hồi giấy phép trước đây của SGTT (bộ cũ) với lý do ghi trong quyết định: “Cơ quan chủ quản báo đề nghị cho phép ngừng hoạt động vì không đủ điều kiện về tài chính.”
Cơ quan chủ quản của SGTT bộ cũ là Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) thuộc UBND TPHCM, nay cơ quan chủ quản mới theo giấy phép mới là Sở Công Thương TP.HCM.
Như vậy, Báo SGTT vẫn được xuất bản liên tục và theo giấy phép mới, số báo đầu tiên của bộ mới sẽ được đánh số 1. Tòa soạn của báo đặt tại số 35 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, TP.HCM, trụ sở của Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Bà Trần Thị Ngọc Huệ, Tổng biên tập Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn, cho biết SGTT bộ mới sẽ tiếp tục công việc của đội ngũ những người đã thực hiện ấn phẩm này trong 19 năm qua.
“Tên tuổi của SGTT gắn với đội ngũ những người khai sinh và gầy dựng tờ báo từ năm 1995 và SGTT đã luôn được bạn đọc tin cậy và đón nhận. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh đó”, bà Huệ cho biết.
Bà Huệ nói thêm: “Tôn chỉ mục đích của tờ báo bộ mới vẫn sẽ là phục vụ người tiêu dùng, các nhà sản xuất và cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, khái niệm tiêu dùng, theo tôi, được mở ra rất rộng. Tiêu dùng không chỉ liên quan đến việc mua sắm, sử dụng hàng hóa mà còn là hưởng thụ những sản phẩm tinh thần. Đọc cuốn sách, xem bộ phim, ngắm bức tranh hay đi du lịch đều là hành vi tiêu dùng. Trong bối cảnh vừa tràn ngập thông tin vừa thiếu sự thẩm định thông tin như hiện nay, người tiêu dùng rất cần thông tin khách quan, đúng đắn, kịp thời và thiết thực để giúp họ”.
Với nhiệm vụ tiếp tục phụng sự bạn đọc, bà Huệ cho biết tờ SGTT bộ mới trân trọng đón nhận sự đóng góp của các cây bút và nhà báo đã từng viết và sẽ viết cho tờ báo này. “Chúng tôi cũng rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ quý báu của bạn đọc, nhà quảng cáo và doanh nghiệp… cho Sài Gòn Tiếp Thị bộ mới”, bà nói thêm.
Trong khi đó, chiều 28.2, ông Nguyễn Xuân Minh - quyền Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị (bộ cũ) - đã đồng ý dành cho Thanh Niên Online một cuộc trao đổi mà như ông nói là “đầy đủ nhất thông tin từ trước đến nay”. Buổi nói chuyện liên tục bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại hỏi thăm và những người bạn của ông ở bàn bên đến chia sẻ.
“Sau khi báo SGTT bộ cũ bị đình bản, mấy anh em sợ tôi buồn nên kéo tôi lên tít quận 11”, ông Minh nói.
Mất cân đối về tài chính
Ông có thể cho biết thông tin đầy đủ nhất dẫn đến việc SGTT bị đình bản?
Thông tin SGTT bị đình bản có từ cả năm nay. Nó rộ lên nhất từ sau khi có kết luận thanh tra của UBND TP.HCM. Theo phổ biến của cấp có thẩm quyền như UBND TP, Sở Thông tin - Truyền thông TP, có mấy việc như sau:
Thứ nhất là tờ báo bị thua lỗ về mặt tài chính và mất khả năng cân đối. Thứ hai là sau kết luận thanh tra, tôi khi đó là phó tổng biên tập (sau này ông Minh là quyền tổng biên tập báo SGTT - PV) và một anh nữa cũng là phó tổng biên tập có liên đới trách nhiệm với tổng biên tập trước đây cũng bị xử lý kỷ luật. Mà người đã bị kỷ luật thì không thể đảm đương được quyền tổng biên tập. Người ta cho rằng không tìm được người thay thế để đảm đương tờ báo. Người ta cho rằng tờ báo vì lý do tài chính và không có người quản lý thì thôi kết thúc.
Cần phải thấy rằng khi tờ báo bị đình bản vẫn là một thương hiệu tốt, có chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Sau khi bị đình bản, cái tên SGTT đó sẽ giao cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn để ra một phụ bản mới cũng mang tên SGTT. Tôi cũng được biết Thời báo Kinh tế Sài Gòn sẽ lấy măng sét y hệt như vậy, chỉ thay đổi tên cơ quan chủ quản. Còn toàn bộ hình thức như giấy, màu sắc cũng y như tờ SGTT cũ.
Theo như ông nói thì SGTT bị đình bản là do thua lỗ, không có cán bộ quản lý chủ chốt. Nếu coi tờ báo như một doanh nghiệp thì việc đóng cửa hay đình bản là chuyện bình thường. Trong nước cũng có nhiều tớ báo phải thu gọn lại hay phá sản. Nhưng tại sao việc đình bản của SGTT tạo nên nhiều tranh cãi như vậy?
Đúng là có nhiều tranh cãi như anh nói, ngay cả tranh cãi từ trong SGTT. Anh em cũng đấu tranh, nhiều lần có những kiến nghị lên cấp cao nhất Nhà nước. Đó là người lao động bức xúc. Còn tôi với tư cách tổng biên tập thì phải chấp hành tổ chức kỷ luật của cấp trên. Anh em bức xúc là đúng bởi hơn một trăm con người đang có công ăn việc làm ổn định và cho rằng họ không có lỗi gì. Anh em kiến nghị nhiều cấp khác nhau và đến ngày hôm nay mới thể hiện rõ nhất.
|
Vì anh em cho rằng việc đóng cửa SGTT xuất phát từ một quyết định hành chính không hợp pháp của UBND TP.HCM. Không đúng pháp luật ở chỗ việc ra hay đóng cửa tờ báo phải là quyết định của cấp thẩm quyền là Bộ Thông tin - Truyền thông.
Thực tế tôi biết rằng những thủ tục hành chính rất nhiêu khê và UBND TP.HCM cũng đã có những nỗ lực để làm đúng trình tự pháp luật chứ không phải là chủ quan làm theo ý muốn của mình. Sáng hôm nay (28.2) mới công bố thu hồi giấy phép của SGTT, của cả hai ấn bản là điện tử và báo in. Khi có quyết định thì báo phải chấp hành chứ báo không thể sống mà cưỡng lại được dù bạn đọc rất yêu quý mình.
Báo đã bớt nhạy cảm
Có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân khiến SGTT bị đình bản là do có nhiều tuyến bài nhạy cảm và động chạm đến lợi ích của một số người. Là người trong cuộc, ông thấy sao về ý kiến này?
Đúng là có dư luận như vậy, nhất là thông tin trên mạng. Anh em cũng người nói thế này thế kia. Bản thân tôi thì cho rằng đó là thời gian trước đây. Còn sau khi đổi anh Tâm Chánh, tôi lên làm quyền tổng biên tập thì chính đội ngũ của SGTT cũng ngồi lại, rút ra bài học để tự điều chỉnh chuyện này, tức là tôn chỉ mục đích chứ không rất nguy hiểm vì tờ báo đang rất khó khăn.
Trong thực tế chúng tôi đã điều chỉnh điều này chứ không phải không điều chỉnh. Nhưng sau thanh tra có những quyết định mà tôi không nắm bắt được và đến bây giờ tôi vẫn không hiểu hết. Có thể lãnh đạo có tầm nhìn khác lớn hơn mà mình không nhìn được hết. Còn chúng tôi thì phải chấp hành. Tôi khẳng định thời gian này báo không có nhiều chuyện nhạy cảm. Mà báo nào thì cũng có chuyện này chuyện kia. Báo mình cũng không phải là điểm nóng như ngày xửa ngày xưa mà mình từng bị nhắc nhở.
|
Liên quan đến tài chính của báo, trước đây rõ ràng báo thua lỗ nhưng thời gian gần đây đã tự cân đối được tài chính, thưa ông?
Tôi sẽ không giấu giếm tình hình tài chính của báo. Đúng là mấy năm gần đây báo có lãi. Nhưng phải nói rõ là báo không có lãi thực bởi vì nợ cũ quá lớn. Chúng tôi làm ra rồi phải thanh toán các khoản nợ đó, từ đó mình vẫn âm. Còn nếu gói nợ lại thì tờ báo vẫn có lãi. Nợ cũ 50 tỉ đồng quá lớn. Năm 2011, có những lúc lãi suất lên tới 24%/năm thì mình làm bao nhiêu ngân hàng, nợ giấy, nợ in nuốt đến đó. Năm 2012, SGTT trả lãi hơn 8 tỉ đồng. Lý do tài chính của báo mất cân đối là đúng.
Nhưng có lúc báo có phương án là bán trụ sở để trả nợ và chấp nhận làm lại từ đầu?
Nó có vấn đề như thề này. Sau khi thanh tra có kết luận thì cho phép báo làm một đề án tài cấu trúc tờ báo trong đó tập trung vào vấn đề tài chính, tôn chỉ và mục đích… Chúng tôi đã làm điều đó, trong đó đưa ra khả năng báo bán trụ sở, cân đối lại tài chính thì năm đầu lãi bao nhiêu, năm sau lãi bao nhiêu... Nhưng phương án tái cấu trúc này lại không được chọn. Họ không bằng lòng với phương án tái cấu trúc đó mặc dù trước đó có chỉ đạo tái cấu trúc. Hiện nay Thời báo Kinh tế Sài Gòn đang giữ phương án tái cấu trúc của chúng tôi và có lẽ sẽ làm theo hướng đó.
Một phóng viên được ký hợp đồng
Sau khi báo đình bản, công việc của hơn 100 cán bộ, nhân viên và phóng viên của báo được giải quyết ra sao?
Khi có một số vấn đề xảy ra, có một số anh em ra đi. Vì mưu sinh, gia đình nên họ phải ra đi là chuyện rất đỗi bình thường. Nhưng đa phần đều ở lại làm việc dù có những lúc báo vẫn nợ lương và nhuận bút. Một số nơi khi hay tin cũng có điện cho tôi bảo sẽ nhận người này người nọ của báo. Đó cũng là chuyện bình thường.
Trong cuộc họp gần đây nhất, UBND TP.HCM cũng đề nghị Thời báo Kinh tế Sài Gòn nên nhận đội ngũ của SGTT. Thời báo Kinh tế Sài Gòn cũng đã đồng ý. Nhưng họ cũng là đơn vị độc lập cần phải có sự tính toán, tìm hiểu cho phù hợp. Cho tới giờ này thông tin tôi nắm được là chỉ có một phóng viên được ký hợp đồng, số còn lại đang tiếp tục thỏa thuận.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn chỉ đồng ý nhận khối nội dung nếu phù hợp, còn khối trị sự gặp khó khăn. Tinh thần cuộc họp của UBND TP.HCM, sẽ giới thiệu khối trị sự cho Sở Công Thương TP.HCM để giới thiệu hệ thống chân rết của họ xem ai có tay nghề giới thiệu người đó.
Nhưng cũng có thông tin là Thời báo Kinh tế Sài Gòn không muốn nhận SGTT bởi chính bản thân họ cũng đang gặp khó khăn?
Vấn đề này tôi rất chia sẻ với anh chị ở Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Bởi tôi biết ngoại trừ một số báo lớn thì hầu như báo nào cũng gặp khó khăn. Nhưng cần phải hiểu cho đây là quyết định của cấp trên mà cấp dưới phải chấp hành. Thực tế là tờ kia cũng khó và họ phải chấp hành quyết định trên. Chuyện nhận một tờ báo thì họ phải cân đong đo đếm cho phù hợp. Nếu là tôi, tôi cũng vậy. Vì vậy đối với tờ báo Thời báo Kinh tế Sài Gòn không thể trách móc họ được. Họ thương mình thì thương nhưng trước mặt họ phải thương bản thân họ đã chứ. Không thể ép họ được. Nhưng ở đây UBND TP vẫn muốn duy trì tờ báo đó thì có con người của tờ báo đó vẫn tốt hơn chứ.
Có thông tin nhóm người của SGTT sẽ thành lập một tờ báo khác?
Tôi cũng có nghe thông tin anh em kiếm một tờ báo nào đó để quây quần đội ngũ cũ lại làm nhưng tôi không liên quan đến vấn đề này. Giờ tôi mệt mỏi lắm rồi.
Sáng nay công bố đình bản xong, có quyết định điều về cơ quan chủ quản là Trung tâm Xúc tiến đầu tư TP. Tuy nhiên sức khỏe của tôi không được tốt nên tôi sẽ xin nghỉ hưu non. Mọi thủ tục tôi đang làm.
Cám ơn ông.
Thanh Niên Online
Bình luận (0)