Bão số 2: Hải Phòng cấm biển, dừng tham quan vịnh Cát Bà

22/07/2024 13:24 GMT+7

Hải Phòng đang triển khai các biện pháp phòng, chống bão số 2, trong đó thực hiện dừng các hoạt động tham quan vịnh Cát Bà và đóng cửa tạm thời các bãi tắm kể từ 12 giờ trưa nay.

Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, Hải Phòng đã và đang tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống cơn bão số 2, trong đó đã kêu gọi được 1.800 phương tiện tàu thuyền với hơn 5.500 lao động hoạt động trên biển vào nơi tránh trú bão, 427 phương tiện khác đang di chuyển vào bờ; đồng thời đóng cửa các bãi tắm và dừng hoạt động tham quan vịnh Cát Bà từ 12 giờ trưa nay 22.7.

Bão số 2: Hải Phòng cấm biển, dừng tham quan vịnh Cát Bà- Ảnh 1.

12 giờ trưa nay 22.7 H.Cát Hải dừng các hoạt động tham quan vịnh Cát Bà và đóng cửa bãi tắm để phòng, chống bão số 2

GIANG LINH

Ông Bùi Tuấn Mạnh, Chủ tịch UBDN H.Cát Hải (Hải Phòng), cho biết huyện đã giao các phòng, ban chuyên môn, các xã và thị trấn phối hợp với 2 đồn biên phòng (Cát Bà và Cát Hải) khẩn trương phát thông báo, kêu gọi các phương tiện tàu, thuyền và ngư dân đang hoạt động trên biển Cát Bà trở về các vị trí tránh trú theo quy định; kiểm đếm, hướng dẫn, sắp xếp cho tàu, thuyền, bè dịch vụ, nuôi trồng thủy sản về các vị trí tránh trú bão an toàn; nghiêm cấm, không cho tàu, thuyền ra khơi hoạt động trong thời gian diễn biến của bão.

Di chuyển khách tham quan du lịch trên các vịnh, đảo về các khu vực trung tâm thị trấn. Tổ chức sơ tán nhân dân trên các chòi canh, cơ sở nuôi trồng thủy sản cũng như người dân sinh sống tại các chân núi dễ xảy ra sạt lở đất đá.

Bão số 2 gây mưa lớn ở miền Bắc; TP.HCM và Nam bộ mưa giông đến cuối tháng 7

Kể từ 12 giờ trưa nay 22.7, H.Cát Hải tạm dừng hoạt động tham quan trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà và đóng cửa tạm thời các bãi tắm cho đến khi bão tan.

Trước đó, ngày 21.7, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã có công điện yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, quận và thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tuyệt đối không được chủ quan, chuẩn bị sẵn sàng tốt nhất các điều kiện để chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả do bão, mưa lớn gây ra.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bão, bảo vệ an toàn về người và tài sản; hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lớn để đảm bảo an toàn.

Quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền thủy sản, tàu du lịch, tàu vận tải; tổ chức neo đậu tàu thuyền; gia cố lồng bè thủy sản; tuyệt đối không để người trên các tàu thuyền, lồng bè, chòi canh thủy sản khi có gió mạnh hoặc bão đổ bộ, đặc biệt là khách du lịch trên biển và các đảo; giữ liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Cơ quan thường trực về phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố căn cứ diễn biến của bão chủ động xác định thời điểm thông báo cấm biển và tạm dừng các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, cầu qua sông, hệ thống cáp treo, khu vui chơi giải trí tại các khu du lịch biển; chủ động trao đổi cùng Sở GTVT để thông tin, phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam dừng hoạt động của cầu vượt biển.

Chủ động phương án sơ tán nhân dân ở khu vực trũng thấp, ven sông, ven biển, khu nhà cũ yếu, khu du lịch biển, khu vực có nguy cơ sạt lở và trên các phương tiện đã về nơi neo đậu.

Tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, nhất là các vị trí xung yếu; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, công trình đang thi công, cầu tàu, bến cảng, khu hậu cần dịch vụ cảng, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, công trình giao thông, công trình công cộng, hệ thống truyền tải điện, thông tin liên lạc, khu vực khai thác khoáng sản, khu nuôi trồng thủy sản, trang trại, gia trại nông nghiệp, cắt tỉa cây xanh.

Chủ động các biện pháp tiêu nước trong hệ thống thủy lợi đề phòng ngập úng, bảo vệ cây trồng; rà soát, có phương án đảm bảo tiêu thoát nước đô thị trong trường hợp mưa lớn gây ngập lụt; triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, để giảm thiểu thiệt hại.

Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.