Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, khoảng 14 giờ ngày 19.8, bão số 3 bắt đầu đổ bộ lên đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Thái Bình với sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (60 - 90 km/giờ), giật cấp 11 - 12. Sau đó, bão tiếp tục đi sâu vào đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc bộ gây mưa lớn ở các tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Hải Dương. Càng đi sâu vào đất liền, cường độ gió bão giảm nhanh và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở khu vực Hà Nội.
|
Đến 17 giờ, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 20,5 độ vĩ bắc và 105 độ kinh đông, trên khu vực nam đồng bằng Bắc bộ. Vùng gần tâm ATNĐ, sức gió mạnh nhất ở cấp 6, tức là từ 40 - 50 km/giờ, giật cấp 7 - 9. Đến tối 19.8, do ảnh hưởng của ATNĐ, các tỉnh thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên vẫn còn có gió giật cấp 7 - 9; Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hòa Bình có gió giật cấp 6 - 7.
tin liên quan
Thủ tướng yêu cầu dừng họp không cần thiết để ứng phó bão số 3Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu chính quyền các địa phương và cấp T.Ư dừng ngay các cuộc họp không cần thiết, tập trung thời gian chuẩn bị ứng phó mưa bão số 3.
Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết đến 17 giờ ngày 19.8, mưa bão số 3 đã làm chết 1 người tại H.Sốp Cộp, tỉnh Sơn La; 4 người tại Hà Nội và Vĩnh Phúc bị thương. Ngoài ra, mưa bão làm 11 nhà dân sập hoàn toàn, 6 nhà bị tốc mái, 22 cột điện, cột viễn thông gãy đổ và gây ngập lụt nhiều diện tích hoa màu ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ.
Hà Nội úng ngập nhiều tuyến đường
Ghi nhận ở Hà Nội, mưa lớn kèm theo gió giật mạnh bắt đầu từ trưa 19.8. Ở các trạm khí tượng tại Láng, khu vực Hà Đông và Ba Vì, gió mạnh giật cấp 6 - 7. Nhiều quận nội thành Hà Nội có mưa lớn gây ngập úng trên nhiều tuyến phố.
Khu vực ngã tư Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội), ngập nặng nhất là đường Châu Văn Liêm dẫn ra đại lộ Thăng Long. Đến 18 giờ, tuyến đường này vẫn ngập sâu trong nước. Đây là tuyến đường kết nối đại lộ Thăng Long với nhiều khu đô thị lớn nên phương tiện giao thông gặp khó khăn khi di chuyển. Nhiều xe máy phải dắt bộ vì nước ngập sâu quá đầu gối.
Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho biết, mưa lớn trong chiều 19.8 gây ngập úng ở nhiều tuyến đường, phố: Hoa Bằng, Quan Nhân, Phan Văn Trường (Q.Cầu Giấy), Phạm Văn Đồng (Q.Bắc Từ Liêm), Tây Sơn, Thái Hà (Q.Đống Đa), Minh Khai (Q.Hoàng Mai)... với lượng ngập sâu từ 0,2 - 0,4 m. Trên địa bàn Hà Nội đã có hơn 150 cây xanh gãy đổ, khiến 7 ô tô, xe máy bị hư hỏng.
|
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, trung du miền núi phía bắc sẽ có mưa lớn, lượng mưa dự báo đến hết ngày 20.8 phổ biến từ 200 - 300 mm, một số nơi có mưa trên 300 mm. Vùng núi các tỉnh miền núi phía bắc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống lũ quét và ngập úng ở vùng đồng bằng Bắc bộ.
Dừng họp để sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm
Chiều 19.8, Thủ tướng có công điện gửi các tỉnh trung du và miền núi phía bắc, các tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, yêu cầu triển khai các giải pháp cấp bách ứng phó với mưa lũ sau bão. Cụ thể, chính quyền các địa phương đảm bảo thông tin kịp thời đến người dân về tình hình mưa lũ để người dân chủ động phòng tránh; chính quyền các địa phương dừng tất cả các cuộc họp không cấp bách, để chỉ đạo triển khai sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống và sạt lở đất; phải theo dõi mưa lũ, đảm bảo an toàn cho các công trình hồ đập, sẵn sàng hỗ trợ người dân khi có úng ngập.
tin liên quan
Hà Nội có 2 người bị thương do cây đổ vào ngườiNgoài 2 người bị thương, trên phố Hai Bà Trưng (Q.Hoàn Kiếm), một cây xà cừ cổ thụ đã bật gốc, đổ đè bẹp một ô tô 4 chỗ.
Trong hai ngày (18 - 19.8), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại các địa phương trọng điểm. Cụ thể, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại Hải Phòng và Quảng Ninh; Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại Nam Định và Thái Bình; Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tại Ninh Bình và Thanh Hóa.
Hơn 30 chuyến bay bị hủy, hoãn
Vietnam Airlines (VNA) cho biết, do thời tiết xấu, VNA không khai thác tất cả các chuyến bay đến, đi từ sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) trong ngày 19.8, tổng cộng 10 chuyến bay giữa Hà Nội/Đà Nẵng/TP.HCM và Đà Lạt. Ngoài ra, VNA không khai thác thêm 4 chuyến giữa TP.HCM - Hải Phòng;
4 chuyến giữa Hà Nội - Điện Biên, nâng tổng số chuyến bay không khai thác là 18 chuyến. Bên cạnh đó, các chuyến bay nội địa và quốc tế có lịch khai thác tới sân bay Nội Bài trong khung giờ từ 15 - 21 giờ được điều chỉnh giờ hạ cánh sau 21 giờ cùng ngày và ảnh hưởng dây chuyền tới các chuyến bay cất cánh từ Nội Bài. Jetstar Pacific (JPA) không khai thác 2 chuyến bay giữa TP.HCM và Thanh Hóa, 2 chuyến bay giữa TP.HCM và Hải Phòng, chuyển hướng cất hạ cánh tại sân bay Nội Bài.
Vietjet Air cũng cho hay, 9 chuyến bay có điểm đi và đến Cát Bi (Hải Phòng) từ Phú Quốc, Đà Nẵng, TP.HCM, Nha Trang sẽ chuyển hướng bay đi và đến Nội Bài (Hà Nội).
4 chuyến bay TP.HCM - Thanh Hóa và 2 chuyến Nha Trang - Thanh Hóa, 6 chuyến bay từ TP.HCM, Đà Lạt, Pleiku đi Hải Phòng và ngược lại buộc phải hủy. Các chuyến bay khác cũng bị ảnh hưởng dây chuyền do ảnh hưởng của bão.
Mai Hà
|
Mường Lát bị cô lập
Ngày 19.8, tại Thanh Hóa xảy ra mưa lớn, lượng mưa trung bình từ 70 - 100 mm. Hai tuyến đường nối huyện vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa) với các huyện miền xuôi, gồm QL15C và đường bắc sông Mã (đoạn từ cầu Chiềng Nưa, xã Mường Lý đến cầu bản Lát, xã Tam Chung, H.Mường Lát) bị sạt lở nhiều điểm, giao thông ách tắc nghiêm trọng, khiến huyện này bị cô lập với miền xuôi.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Phạm Bá Điểm, Phó chủ tịch UBND H.Mường Lát, cho biết ngày 19.8, H.Mường Lát đã huy động tối đa lực lượng, tập trung giải tỏa các điểm sạt lở trên tuyến đường bắc sông Mã. Sở GTVT Thanh Hóa huy động nhân lực và phương tiện để khắc phục 3 điểm sạt lở lớn tại Km 73 (bản Kéo Hượn), Km 75 (bản Chim, xã Nhi Sơn) và Km 85 (bản Pù Tong, xã Pù Nhi) trên tuyến QL15C. Đến 17 giờ cùng ngày, các điểm ách tắc vẫn chưa được giải tỏa vì khối lượng đất đá bị sạt lở quá lớn, lên tới hàng nghìn mét khối.
Ngày 19.8, trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 3 tại Thanh Hóa, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý dự báo trong và sau bão sẽ xảy ra mưa lớn trên diện rộng nên lãnh đạo tỉnh cần khẩn trương chỉ đạo các lực lượng và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét tại địa bàn các huyện miền núi.
Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa có 81.426 hộ dân (314.570 người) đang sinh sống ở khu vực mép nước, bãi sông, vùng trũng thấp có nguy cơ cao bị ngập lụt và xảy ra lũ ống, lũ quét rất cao. Đến chiều tối 19.8, tỉnh Thanh Hóa vẫn duy trì hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội tập trung ứng trực tại các huyện miền núi, sẵn sàng hỗ trợ sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi có tình huống xảy ra.
|
Bình luận (0)