Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự kiến đến 16 giờ ngày 4.9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ vĩ bắc; 117,1 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 700 km về phía đông. Bão mạnh cấp 11, giật cấp 13. Đến 16 giờ ngày 6.9, bão số 3 ở vào khoảng 19,5 độ vĩ bắc; 111,2 độ kinh đông trên vùng biển phía đông đảo Hải Nam. Bão mạnh cấp 14, giật cấp 17. Từ 72 - 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 10 - 15 km, cường độ ít thay đổi và đi vào vịnh Bắc bộ.
Bão số 3 (bão YAGI) liên tục tăng cấp, dự báo giật cấp 17
Do tác động của bão số 3, vùng biển phía đông của khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8 - cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 - cấp 11, giật cấp 13; biển động dữ dội. Từ chiều ngày 4 - 6.9, bão số 3 có thể đạt cấp bão rất mạnh trên vùng biển phía bắc của khu vực bắc Biển Đông. Gió có thể mạnh lên tới cấp 14, giật cấp 17 ở vùng gần tâm bão.
Trước diễn biến của bão số 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bộ trưởng các bộ: Quốc phòng, Công an, TN-MT, NN-PTNT, Công thương, GTVT, Xây dựng, Ngoại giao, VH-TT-DL; chủ tịch UBND tỉnh, TP: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ", không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhận định từ chiều 6.9, có 2 kịch bản xảy ra, thứ nhất, bão có khả năng di chuyển theo hướng bắc vào khu vực bắc đảo Hải Nam và di chuyển vào phía bắc vịnh Bắc bộ. Với kịch bản này, đêm 6 - 7.9, bão sẽ di chuyển vào phía bắc vịnh Bắc bộ. Thứ 2, bão sẽ đổi hướng về tây nam, đi vòng về phía nam của đảo Hải Nam rồi đi vào phía nam của vịnh Bắc bộ nên điểm đổ bộ sẽ khác đi. Cả hai kịch bản này bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển của VN.
"Khi bão đổ bộ vào đất liền, hoàn lưu của bão sẽ rộng, dọc theo các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Nếu nó đi theo kịch bản 1 sẽ gây mưa lớn ở miền Bắc còn theo kịch bản 2, vùng mưa lớn sẽ mở rộng ra từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế. Mưa lớn sẽ gây ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng ở đô thị", ông nhấn mạnh.
Bình luận (0)