Bão số 4 được hình thành từ vùng áp thấp nhiệt đới trên vùng biển Philippines, sau đó đổ bộ khu vực Quảng Bình - Quảng Trị rồi suy yếu và tan dần trên khu vực Trung Lào.
Mặc dù đây là cơn bão yếu, đổ bộ với gió cấp 6 - cấp 7 nhưng đã gây thiệt hại về người và tài sản.
Theo thống kê của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), tính đến 7 giờ sáng nay 23.9, bão số 4 và ảnh hưởng của hoàn lưu bão đã khiến 3 người chết do lũ cuốn tại Nghệ An (đã tìm thấy thi thể người mất tích).
Mưa lớn dồn dập trút xuống miền Trung, khi nào thì hết?
Về tài sản, 261 nhà hư hỏng, tốc mái (Thanh Hoá 113, Nghệ An 93, Hà Tĩnh 26, Thừa Thiên - Huế 12, Quảng Nam 17); một số diện tích lúa, hoa màu, thủy sản ngập úng, thiệt hại; gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi.
Ngoài ra, một số vị trí đường giao thông, ngầm tràn tại khu vực trũng, thấp thuộc các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng bị ngập cục bộ.
Trước đó, ngày 22.9, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiên tai và thăm hỏi, động viên người dân bị thiệt hại do mưa, lũ sau bão số 3 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Tại đây, đoàn công tác kiểm tra thực địa, nắm tình hình tại khu vực sạt lở xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành và xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc (H.Nguyên Bình). Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn 2 xóm xảy ra sạt lở đất, vùi lấp hoàn toàn 12 căn nhà của 12 hộ dân, làm 20 người chết.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo trực tiếp khắc phục hậu quả thiên tai tại H.Nguyên Bình; huy động trên 7.600 lượt người, các lực lượng vũ trang, phương tiện để nhanh chóng di dời người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm; triển khai các biện pháp xử lý sạt lở trên các tuyến giao thông, đặc biệt là QL34, khôi phục hệ thống điện và thông tin liên lạc.
Đến nay, H.Nguyên Bình đã hoàn thành công tác san lấp mặt bằng, di dời dân đến ở tạm thời tại 80 nhà bạt dã chiến trong thời gian chờ xây dựng khu tái định cư.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao công tác chủ động chỉ đạo ứng phó, phòng chống bão lũ, thiên tai của tỉnh, phát huy được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, góp phần quan trọng giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra.
Ông Hoan cho rằng, công tác ứng phó sau mưa bão là vấn đề rất quan trọng, không được chủ quan, lơ là. Ông đề nghị tỉnh Cao Bằng tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa lũ để chủ động ứng phó, tránh để xảy ra sự cố đáng tiếc, tiếp tục bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại các điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, ngập úng để xử lý kịp thời. Cạnh đó, cần sớm khắc phục hậu quả sau thiên tai, đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.
Bình luận (0)