Bão số 6 sắp vào biển Đông: Vì sao mang tên Việt Nam bão Trà Mi?

22/10/2024 16:10 GMT+7

Theo quy tắc đặt tên bão của thế giới, mỗi quốc gia được đặt tên 10 cơn bão chia thành 5 danh sách và sẽ xoay vòng theo năm: năm 2024 theo chu kỳ cơn bão Trà Mi có mã số trùng với năm 2024 nên được chọn và đặt tên.

Vì sao cơn bão Trà Mi (bão số 6) được chọn đặt theo tên Việt Nam? Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo khí tượng thủy văn, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (World Meteorological Organization - WMO), các cơn bão nhiệt đới được đặt tên theo quy tắc ở từng khu vực.

Bão Trà Mi (bão số 6) dự báo giật cấp 15, liên tục đổi hướng

Bão Trà Mi và quy tắc đặt tên các cơn bão

Từ năm 1950, các cơn bão ở Đại Tây Dương và nam bán cầu (Ấn Độ Dương và nam Thái Bình Dương) được đặt tên nhưng không theo quy tắc cụ thể. Đến năm 1953, các cơn bão nhiệt đới sẽ được đặt tên theo tên nữ giới, sắp xếp theo bảng chữ cái.

Đến năm 1978, tên nam giới được bổ sung vào danh sách và xen kẽ với tên nữ giới. Ví dụ, nếu cơn bão đầu tiên trong năm bắt đầu bằng chữ A - Anne, cơn bão tiếp theo sẽ bắt đầu bằng chữ B - Bernard.

Riêng khu vực Đại Tây Dương, WMO sử dụng danh sách gồm 21 tên để đặt cho các cơn bão. Tổng cộng, 6 danh sách sẽ được sử dụng luân phiên qua các năm. Theo đó, danh sách tên bão năm 2019 sẽ được sử dụng lại vào năm 2025. Điểm đặc biệt, tên các cơn bão không bắt đầu bằng các chữ cái Q, U, X, Y hoặc Z.

Bão số 6 sắp vào biển Đông: Vì sao mang tên Việt Nam bão Trà Mi?- Ảnh 1.

Hình ảnh: Đường đi cơn bão số 13 Vàm Cỏ năm 2020 (tên quốc tế: Vamco)

Chụp màn hình

Các quốc gia ở bắc Ấn Độ Dương bắt đầu sử dụng hệ thống mới để đặt tên cho các cơn bão nhiệt đới từ năm 2020. Những cơn bão được liệt kê theo thứ tự bảng chữ cái, theo từng quốc gia và được đặt bằng những cái tên trung tính.

Với khu vực tây bắc Thái Bình Dương và Biển Đông (trong đó có các cơn bão đổ bộ vào Việt Nam), phần lớn cơn bão được đặt tên theo tên địa danh, động vật hoặc thực vật. Mỗi quốc gia được đặt 10 tên bão, chia thành 5 danh sách và sẽ xoay vòng theo năm.

Cũng theo ông Đặng Đình Quân, Phòng Dự báo số và viễn thám, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia trích thông tin từ Cục Khí tượng Nhật Bản (JMA) là một trong 6 Trung tâm Khí tượng Chuyên ngành khu vực thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới. Trung tâm này là cơ quan chịu trách nhiệm dự báo, cảnh báo và đặt tên các cơn bão nhiệt đới hoạt động trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương và Biển Đông. Tên các cơn bão do các nước đưa lên và được thông qua, cũng như ý nghĩa của chúng có tại website: https://www.jma.go.jp/jma/jma-eng/jma-center/rsmc-hp-pub-eg/tyname.html Những tên này được sử dụng tuần tự. Ví dụ, nếu cơn bão nhiệt đới cuối cùng trong năm là Damrey, cơn bão nhiệt đới đầu tiên của năm sau sẽ là Haikui.

Ngoài tên, mỗi cơn bão sẽ đều được gắn 1 mã số (ID) cụ thể. Với khu vực tây bắc Thái Bình Dương, các mã số của cơn bão bắt đầu bằng 2 số cuối của năm (ví dụ năm 2024 thì tiền tố mã số là 24) và kết thúc bằng số thứ tự cơn bão đó xuất hiện trên khu vực. Ví dụ, cơn bão Trami có mã số là 2420, tức năm xuất hiện là 2024 và là cơn bão thứ 20 trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương, tên quốc tế là Trami (hay tiếng Việt là: Trà Mi).

Dự báo bất ngờ về bão Trà Mi (bão số 6), có thể đổi hướng ra biển

Việc đặt tên cho các cơn bão đã bắt đầu từ lâu, nhằm giúp xác định nhanh các cơn bão trong những thông báo cảnh báo. Những cái tên sẽ giúp người dân dễ nhớ hơn so với các con số và thuật ngữ kỹ thuật; đồng thời việc đặt tên sẽ giúp các phương tiện truyền thông đưa tin về các cơn bão dễ dàng hơn, giúp người dân để ý các cảnh báo, từ đó tăng cường đối phó khi bão ập đến.

Đặc biệt, tên của những cơn bão có thể bị loại bỏ nếu cơn bão đó gây thiệt hại nặng nề về người và của. Thông thường, trong các cuộc họp thường niên của WMO, những cái tên "phạm" phải điều này sẽ được loại bỏ. Ví dụ, Hàn Quốc từng đề nghị loại bỏ tên bão Saomai (Việt Nam đề cử) ra khỏi danh sách tên bão vì cơn bão mang tên này đã gây hậu quả nghiêm trọng cho Hàn Quốc. Việt Nam cũng đã đề nghị bỏ tên bão Chanchu do Hàn Quốc đặt vì đã gây hậu quả nghiêm trọng cho Việt Nam.

Bão số 6 sắp vào biển Đông: Vì sao mang tên Việt Nam bão Trà Mi?- Ảnh 2.

Tên các cơn bão do các nước đề xuất

Tên Trà Mi và 7 cơn bão từng có tên Việt Nam

Với khu vực Biển Đông, trong đó có Việt Nam, các quốc gia đều tuân theo quy tắc đặt tên quốc tế do WMO quy định, tuy nhiên mỗi quốc gia lại có tên gọi riêng của mình.

Như ở Việt Nam, bão được đặt tên theo số thứ tự cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên khu vực Biển Đông (từ kinh tuyến 120 trở vào).

Tuy nhiên, theo Cục quản lý thiên văn, địa vật lý và khí quyển Philippines (PAGASA), nước này sẽ sử dụng danh sách tên bão riêng của họ gồm 25 tên để đặt cho một xoáy thuận nhiệt đới khi nó đi vào khu vực theo dõi của họ (Philippine Area of Responsibility - PAR). Ví dụ, cơn bão Trami hiện tại Philippin gọi là "Kristine".

Bão số 6 sắp vào biển Đông: Vì sao mang tên Việt Nam bão Trà Mi?- Ảnh 3.

Ông Quyết cho biết, tên bão được đặt và chọn theo thứ tự lần lượt, do vậy khi tên đó đến lượt và có bão xuất hiện thì tên sẽ được gán cho chúng. Hàng năm, trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương có khoảng 20 - 23 cơn bão, ngoại trừ năm 2023 có 17 cơn hay năm 2019 có 29 cơn bão, năm 2013 có 31 cơn bão. Số lượng bão thay đổi tùy thuộc vào khí hậu các năm, như năm đó thịnh hành là El Nino hoặc La Nina, cũng như các yếu tố thuận lợi để hình thành bão trên biển. Với số lượng bão nhiều như vậy, xác suất tên bão tiếng Việt xuất hiện cũng không nhỏ.

Ông Quyết nói thêm, các quốc gia trong đó có Việt Nam phải đóng góp 10 tên bão theo quy định. Tuy nhiên, các quốc gia cũng có thể đề xuất loại bỏ tên đó khi cơn bão có tên ấy gây thiệt hại lớn đến quốc gia đó. Các quốc gia đặt tên cho cơn bão bị yêu cầu đổi phải gửi tới Ủy ban bão 3 tên cơn bão mới để Ủy ban bão xem xét lựa chọn theo quy định. Chưa có thống kê nào nêu về có bao nhiêu cơn bão mang tên tiếng Việt mạnh nhất đã đi vào Biển Đông và gây ảnh hưởng đến nước ta.

Từ năm 2015 đến năm 2023 có khoảng 7 cơn bão mang tên tiếng Việt tồn tại và đi vào khu vực Biển Đông như: Vàm Cỏ (bão số 3, năm 2015), Sơn Ca (bão số 4, năm 2017), Sơn Tinh (bão số 3, năm 2018), Vàm Cỏ (bão số 13 năm 2020), Côn Sơn (bão số 5, năm 2021), Sơn Ca (bão số 5, năm 2022), Sao La (bão số 3, năm 2023).

Trong đó, cơn bão số 13 năm 2020 (tên quốc tế là Vamco) khi đi vào Biển Đông với cường độ mạnh cấp 12, giật cấp 15, là một trong những cơn bão mạnh với tên tiếng Việt.

Cơn bão Trà Mi đang tiến vào Biển Đông thì vì sao lại có tên đó, ông Quyết nói rằng tên cơn bão được đặt và chọn theo thứ tự lần lượt, do vậy khi tên đó đến lượt và có bão xuất hiện thì tên sẽ được gán cho chúng như cơn bão lần này thì tên "Trami" đến lượt và được gắn cho cơn bão hiện tại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.