Tuy được đánh giá là bảo tàng thuộc hàng “top” của các tỉnh miền Trung về chất lượng, nhưng Bảo tàng Quảng Trị vẫn rơi vào cảnh vắng hoe, thậm chí trở thành bãi đỗ xe...
Bảo tàng Quảng Trị vắng khách, sân bảo tàng biến thành nơi đỗ xe ô tô bất đắc dĩ - Ảnh: Nguyễn Phúc |
Bảo tàng Quảng Trị được thành lập từ năm 1989, riêng trụ sở đến năm 2004 mới xây xong với mức đầu tư 30 tỉ đồng. Đến ngày 1.5.2007, mới chính thức mở cửa đón khách. Hiện nay, bảo tàng Quảng Trị có 23 cán bộ, quản lý 29.085 hiện vật gốc (gồm đồ kim loại, đồ đá, đồ xương, gốm sứ, mộc...), 3.000 tài liệu phim ảnh. Trên cơ sở này, bảo tàng đã xây dựng nhiều bộ sưu tập cổ vật, hiện vật với rất nhiều điểm nhấn.
Bà Cái Thị Vượng, Phó giám đốc Bảo tàng Quảng Trị tâm sự: “Không chỉ cá nhân tôi mà nhiều nhà nghiên cứu khác cũng cho rằng Bảo tàng Quảng Trị là một trong những bảo tàng đẹp, hiện đại với nhiều nội dung trưng bày phong phú, đứng hàng đầu trong các bảo tàng ở khu vực miền Trung”.
Thực tế đáng buồn
Dù nằm ngay trên trục đường lớn của TP.Đông Hà nhưng theo ghi nhận của Thanh Niên, nhiều ngày liền cuối tháng 9, cánh cửa bảo tàng vẫn đóng kín. Những nhóm cổ vật, hiện vật được trưng bày bên trong phủ bụi thời gian, còn hiện vật trưng bày ngoài trời cũng “trơ gan cùng tuế nguyệt”, đối diện với gỉ sét. Không có khách, khuôn viên sân của bảo tàng nay đã trở thành bãi đỗ xe ô tô bất đắc dĩ cho khách của các quán cà phê lân cận.
|
Số liệu của Bảo tàng Quảng Trị cho hay hằng năm, công tác bảo tàng chỉ được tỉnh cấp ngân sách rất bèo bọt (năm 2015 là 540 triệu đồng, các năm trước còn thấp hơn).
“Chừng này thực sự không đủ, chúng tôi chỉ liệu cơm gắp mắm... Duy trì hoạt động là tốt rồi chứ không đủ tiềm lực để làm điều gì đó mới mẻ”, bà Vượng thở dài. Trong cuốn “20 năm Bảo tàng Quảng Trị”, bà Nguyễn Thị Lệ Hiền, Trưởng phòng thuyết minh-hướng dẫn (Bảo tàng Quảng Trị) cho rằng: “Trước đây khách tự tìm đến bảo tàng thì nay bảo tàng phải chủ động đi tìm khách”.
Hiện nay, Bảo tàng Quảng Trị vẫn mở cửa quanh năm nhưng lượng khách chính chỉ còn là các em học sinh. Thông qua các chương trình ngoại khóa (chủ yếu nhờ sự tài trợ của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh trên địa bàn), các em được tham quan bảo tàng. Ngoài ra, vào các dịp lễ 2.9, 30.4, 27.7... mới có khách.
Bà Vượng cho biết Bảo tàng Quảng Trị chưa bao giờ được xã hội hóa, lồng ghép liên kết với các tour, tuyến tham quan du lịch. “Chúng tôi có đề xuất nhưng chưa được vì cấp trên và nhiều hãng lữ hành cho rằng bảo tàng chúng tôi chưa đủ các điều kiện để liên kết. Mở cửa miễn phí còn chưa lôi kéo người dân đến huống hồ là thu. Trước đây cũng có dự định bán vé vào cổng 5.000 đồng/người nhưng đã bị dập tắt ngay từ khâu... ý tưởng”, bà Vượng nói.
Thực tế đáng buồn này không phải là chuyện riêng của Bảo tàng Quảng Trị mà là nỗi niềm chung của nhiều bảo tàng cấp tỉnh. “Cũng vì hoàn cảnh khách quan, cả xã hội đang chạy theo kinh tế thị trường và có vẻ như đang bỏ quên văn hóa”, bà Vượng chia sẻ.
Hội An thí điểm audio-guide tại Bảo tàng gốm sứ mậu dịch
Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An (Quảng Nam) vừa đưa vào sử dụng hệ thống audio-guide (thuyết minh bằng tai nghe điện tử) tại Bảo tàng gốm sứ mậu dịch. Hình thành từ năm 1995 và đang lưu giữ 368 hiện vật có niên đại từ thế kỷ 9 - 19, đây là bảo tàng đầu tiên được thí điểm audio-guide tại Hội An trước khi nhân rộng trong các điểm di tích, các bảo tàng chuyên đề ở phố cổ (như Bảo tàng lịch sử văn hóa, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng văn hóa dân gian).
Tại mỗi tủ hiện vật hoặc cụm hiện vật, bảo tàng gắn chíp với mã số riêng; du khách sử dụng thiết bị giống điện thoại thông minh có gắn tai nghe, lựa chọn ngôn ngữ Việt - Anh - Nhật. Sau khi kích hoạt hệ thống audio-guide, du khách đi đến tủ hiện vật nào thì máy sẽ tự động phát lời thuyết minh. Với mức phí 1 USD (ngoài vé tham quan), du khách được thuyết minh bằng tai nghe điện tử và xem nghệ nhân làng gốm Thanh Hà trình diễn, giải trí tại điểm dừng chân...
Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đầu tư gần 70 triệu đồng cho điểm dừng chân; phía Công ty CP truyền thông và dịch vụ du lịch LD&D (Đà Nẵng) phối hợp triển khai hệ thống audio-guide, thu hồi vốn thông qua khoản phí tham quan.
H.X.Huỳnh
|
Theo cơ chế thị trường thì khó trụ!
Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình nằm ở vị trí đắc địa bậc nhất của trung tâm TP.Đồng Hới nhưng cũng luôn èo uột, vắng vẻ. Thỉnh thoảng, bảo tàng được sử dụng cho những cuộc triển lãm thì lúc đó mới có người đến.
Nguyên nhân do quá trình xây dựng kéo dài ì ạch nhiều năm liền; hiện vẫn chưa triển khai phần trưng bày. Trong khi đó, phần xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng từ 2010 đã nhanh chóng xuống cấp hư hỏng. Mới đây ngân sách nhà nước phải chi tiếp 500 triệu đồng để đục bỏ lớp gạch ốp ngoài dễ bị bung rơi thay bằng lớp sơn. Bảo tàng có 17 CB-CNV, tổng chi phí 1 năm từ 1,2 - 1,3 tỉ đồng; chủ yếu là cho quỹ lương còn lại là tiền đi sưu tầm, dịch vụ...
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình, cho rằng bảo tàng chủ yếu là hiện vật chính trị, mục đích giáo dục thế hệ trẻ về cội nguồn, dựng nước giữ nước, đấu tranh cách mạng nên khó thu hút người xem. Các hiện vật này nằm trong kho bao nhiêu năm nay, không trưng bày được.
“Đi các nơi thấy chủ yếu tư nhân làm. Cơ chế vẫn cho các thiết chế văn hóa mở các dịch vụ phù hợp như: dịch vụ bán đồ lưu niệm, nhiếp ảnh, bán cà phê, các món ăn nhẹ hay đồ thể thao. Nhưng nếu theo cơ chế thị trường thì chúng tôi sợ khó trụ”. Thế nhưng, ở cùng địa thế, cùng tuyến đường, thậm chí còn không đẹp bằng bảo tàng nhưng Nhà thiếu nhi Quảng Bình (nằm cạnh bảo tàng, cách 1 con đường) đang hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận cao bằng cách mở quán cà phê giải khát và các hoạt động trò chơi cho trẻ em.
T.Q.Nam
|
Bình luận (0)