Xe

Báo Thái Lan: ASEAN trước sự lôi kéo của Mỹ và Trung Quốc

01/02/2016 17:17 GMT+7

Mỹ đang cố lôi kéo ASEAN về phía mình trong khi Trung Quốc thông qua các lợi ích kinh tế muốn khối này "từ bỏ" Mỹ để cùng song hành với Bắc Kinh. Chính sách nào sẽ được các nhà lãnh đạo ASEAN lựa chọn?

Mỹ đang cố lôi kéo ASEAN về phía mình trong khi Trung Quốc thông qua các lợi ích kinh tế muốn khối này "từ bỏ" Mỹ để cùng song hành với Bắc Kinh. Chính sách nào sẽ được các nhà lãnh đạo ASEAN lựa chọn?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama đều muốn đẩy mạnh ảnh hưởng với ASEAN - Ảnh: ReutersChủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama đều muốn đẩy mạnh ảnh hưởng với ASEAN - Ảnh: Reuters
Tờ The Nation (Thái Lan) ngày 1.2 có bài bình luận về mối quan hệ của ASEAN với Mỹ và Trung Quốc. Năm 2016 này, Trung Quốc và ASEAN đánh dấu 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đang thúc đẩy chính sách đối ngoại tiến gần hơn với ASEAN.
Giữa tháng 2.2016, Tổng thống Obama sẽ có cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN ở Sunnylands, bang California. Đây là nơi ông Obama từng tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hơn 2 năm về trước để thúc đẩy mối quan hệ với cường quốc châu Á này.
The Nation nhận định ông Obama xem mối quan hệ Mỹ - ASEAN không thua kém mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc và xem khối này là một đối trọng về kinh tế và cả an ninh chính trị của Mỹ ở châu Á. Tổng thống Obama sẽ cố gắng thực hiện điều này trước khi ông mãn nhiệm.
The Nation còn cho rằng ông Obama đã thuyết phục được hoặc ít nhất sẽ sớm thành công để 4 trong 10 thành viên của ASEAN tham gia vào TPP - Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - vốn nhằm khống chế ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở khu vực này.
Tiếp đến, Washington đã góp tiếng nói khá mạnh mẽ đối với tranh chấp ở Biển Đông và ủng hộ tự do lưu thông hàng hải ở vùng biển này. Thông qua việc xuất hiện ở Biển Đông, Washington muốn thuyết phục các nhà lãnh đạo ASEAN rằng Mỹ luôn có mặt và sẵn sàng làm đối trọng, giúp họ đối phó với Trung Quốc.
Dưới con mắt của nhiều nước thành viên ASEAN, ông Obama có vẻ gần gũi với ASEAN hơn các tổng thống tiền nhiệm, thậm chí ông Obama còn được xem là thân thiện hơn cả Ngoại trưởng John Kerry, người không tạo nhiều ấn tượng ở châu Á.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nỗ lực tạo dấu ấn lên ASEAN. The Nation cho rằng Bắc Kinh thúc đẩy chính sách “Một vành đai, một con đường” nhằm tạo cầu nối giữa Bắc Kinh với ASEAN. Thủ tướng Lý Khắc Cường đưa ra “công thức 2 x 7” cho tương lai của ASEAN - Trung Quốc. Trong khi đó, Ngoại trưởng Vương Nghị thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị với ASEAN với “đề nghị 10 điểm”. Năm nay được Trung Quốc xem là năm Trung Quốc - ASEAN.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với vấn đề được xem là "món nợ" đối với ASEAN. Đó chính là Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Năm 2015 được xem là ‘’năm hợp tác hàng hải Trung Quốc -ASEAN’’ với mục tiêu hoàn tất COC, nhưng mục tiêu này không đạt được vì sự trì hoãn từ phía Trung Quốc.
ASEAN đang đứng trước những cơ hội và thách thức từ Mỹ và Trung Quốc. Tờ The Nation cho rằng các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ không bỏ lỡ cơ hội nào từ 2 cường quốc này. Thắt chặt mối quan hệ chiến lược với cả Mỹ và Trung Quốc chính là chính sách đối ngoại mà ASEAN muốn đeo đuổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.