Báo Thanh Niên đoạt 3 giải báo chí quốc gia

21/06/2024 23:25 GMT+7

Tại Giải Báo chí quốc gia lần thứ 18, năm 2024, Báo Thanh Niên đoạt 3 giải, trong đó có giải B với loạt bài 'Những người lao mình vào thảm họa' của phóng viên Vũ Phượng.

Tối 21.6, tại Hà Nội diễn ra lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ 18, năm 2024. Tham dự lễ trao giải có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó thủ tướng Trần Lưu Quang; Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh và các nhà báo lão thành, lãnh đạo các bộ, ngành,cơ quan báo chí T.Ư, địa phương…

Báo Thanh Niên đoạt 3 giải báo chí quốc gia- Ảnh 1.

Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại lễ trao giải

GIA HÂN

Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, trải qua 99 năm ra đời, phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam đã thể hiện rõ nét vai trò vũ khí sắc bén của giai cấp công nhân, ngọn cờ cách mạng, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Để hoàn thành nhiệm vụ to lớn, vẻ vang, thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị tập trung xây dựng đội ngũ những người làm báo thực sự là những người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng, có "tâm sáng, lòng trong, bút sắc", "vừa hồng, vừa chuyên"; kiên định lý tưởng, giá trị cao đẹp của nghề báo, tuân thủ nguyên tắc, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái sai, bảo vệ cái đúng, cái tốt, luôn hết lòng, hết sức vì sự nghiệp chung. Phát huy cao độ vai trò của báo chí, thực sự là vũ khí sắc bén, công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng....

Báo Thanh Niên đoạt 3 giải báo chí quốc gia- Ảnh 2.

Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu tại lễ trao giải

GIA HÂN

Tại lễ trao giải, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết, 99 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự tin yêu, đùm bọc của nhân dân, báo chí cách mạng Việt Nam luôn gắn bó, đồng hành với sự nghiệp cách mạng dân tộc.

Trong các giai đoạn lịch sử của đất nước, từ khi có Đảng, báo chí cách mạng luôn là lực lượng đi đầu, là vũ khí tinh thần sắc bén của Đảng và Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, là diễn đàn của nhân dân, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng.

Báo Thanh Niên đoạt 3 giải báo chí quốc gia- Ảnh 3.

Chủ tịch nước Tô Lâm và Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải cho các tác giả đoạt giải A

GIA HÂN

Đáng chú ý, báo chí đã phản ánh nỗ lực của Đảng, Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược phát triển đất nước nhiệm kỳ đại hội XIII của Đảng; công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…

"Số lượng tác phẩm dự giải lần này đạt mức cao nhất trong những năm gần đây, với hơn 1.900 tác phẩm. Điều đó cho thấy sức hút mạnh mẽ của giải và sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các hội viên trong cả nước", ông Lê Quốc Minh nói.

Báo Thanh Niên đoạt 3 giải báo chí quốc gia- Ảnh 4.

26 giải B đã được trao cho các tác giả, nhóm tác giả

GIA HÂN

Hội đồng chung khảo đã chấm 165 tác phẩm tiêu biểu được chọn từ vòng sơ khảo và quyết định trao 10 giải A, 26 giải B, 45 giải C, 41 giải khuyến khích cho những tác phẩm xuất sắc nhất, có tính phát hiện đề tài, nội dung tư tưởng tốt, mang tính chiến đấu cao, có sáng tạo trong cách thức thể hiện.

Báo Thanh Niên đoạt 3 giải báo chí quốc gia- Ảnh 5.

Tác giả Lê Bình, phóng viên Báo Thanh Niên (thứ 3 phải sang) nhận giấy chứng nhận đoạt giải C

GIA HÂN

Báo Thanh Niên có 3 loạt bài đoạt giải. Trong đó, phóng viên Vũ Thị Phượng (Vũ Phượng), đoạt giải B với tuyến bài Những người lao mình vào thảm họa.

Nhóm tác giả Lê Văn Bình (Lê Bình) - Trần Duy Khánh đoạt giải C với loạt bài Bóc trần 'tổ hợp' tái chế dầu nhớt thải liên tỉnh.

Nhóm tác giả Tiêu Phong (Ngô Xuân Vũ) - Lê Hồng Quân (Lê Quân) đoạt giải khuyến khích với loạt bài Điều tiết địa tô chênh lệch, giảm thiểu mâu thuẫn đất đai.

Loạt bài Những người lao mình vào thảm họa của tác giả Vũ Phượng gồm 5 kỳ, viết về hồi ức của những chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã bất chấp hiểm nguy, lao mình vào những đám cháy ngùn ngụt hoặc dòng nước xiết hay xuống vực thẳm hang sâu… để cứu người.

Trong đó, có câu chuyện về mỗi lần đứng trước lằn ranh sinh - tử, những chiến sĩ cảnh sát đã chọn cứu người là trên hết. Là giây phút ám ảnh nghẹn lòng khi chứng kiến tình mẫu tử ở phút cuối khi cứu nạn, cứu hộ vụ tàu chìm… Bên cạnh đó, để các chiến sĩ tận hiến hết mình với nghề, ngoài sự hỗ trợ của cơ quan còn là sự chấp nhận, thấu cảm của những người vợ - nơi hậu phương vững chắc…

Và, vượt qua tất cả nỗi sợ của bản thân, áp lực cơm áo gạo tiền, ám ảnh những lần suýt chết…, các chiến sĩ chưa một lần hối tiếc khi khoác trên mình màu áo lính phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Tuyến bài Bóc trần 'tổ hợp' tái chế dầu nhớt thải liên tỉnh của nhóm tác giả Lê Bình - Trần Duy Khánh, phản ánh thực trạng nhiều cơ sở tái chế dầu nhớt thải lậu quy mô lớn ở tỉnh Đồng Nai. Đây được xem là "đại bản doanh" cung cấp dầu tái chế lậu số lượng rất lớn đi các tỉnh. Ngay khi có thông tin phản ánh, Bộ TN-MT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Nam phối hợp với Sở TN-MT địa phương đến kiểm tra, xác minh để có căn cứ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Tuyến bài Điều tiết địa tô chênh lệch, giảm thiểu mâu thuẫn đất đai của nhóm tác giả Tiêu Phong - Lê Quân, phản ánh trong một thời gian dài, cả hệ thống bị thúc đẩy chạy theo hưởng chênh lệch địa tô. Đây là nguồn cơn phát sinh bất công, mâu thuẫn đất đai. Từ đó, nhiều chuyên gia có quan điểm cho rằng cần có cách nào đó để chia lại địa tô chênh lệch một cách công bằng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.