Chào mừng kỷ niệm 79 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9, ngày 23.8, Chi bộ tòa soạn Hà Nội, Báo Thanh Niên phối hợp với Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức chuyến đi về nguồn, lễ kết nạp đảng viên mới tại Di tích quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, tại xã Tân Thái, H.Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Nhà báo Phan Hữu Minh, nguyên Tổng biên tập Báo Thái Nguyên, nguyên Giám đốc Đài truyền hình Thái Nguyên, nguyên Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà Báo Việt Nam, cố vấn Bảo tàng Báo chí Việt Nam; ông Đào Ngọc Tuất, Phó giám đốc Sở TT-TT tỉnh Thái Nguyên; nhà báo Trần Việt Hưng, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Phó bí thư Đảng ủy, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên tới dự.
Lễ kết nạp đảng viên mới của Chi bộ tòa soạn Hà Nội được thực hiện theo chỉ đạo của Đảng ủy T.Ư Đoàn, Đảng bộ Báo Thanh Niên, Nghị quyết Đại hội Chi bộ tòa soạn Hà Nội nhiệm kỳ 2022 - 2025 về việc phát triển đảng viên; Quyết định số 962-QĐ/ĐUTWĐ ngày 25.7.2024 của Ban Thường vụ Đảng ủy T.Ư Đoàn.
Được sự nhất trí của Ban Chấp hành Đảng bộ Báo Thanh Niên, trong ngày 23.8, Ban Chi ủy, Chi bộ tòa soạn Hà Nội tổ chức kết nạp quần chúng Phan Quốc Bình vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lễ kết nạp đảng viên mới cho quần chúng Phan Quốc Bình diễn ra tại Di tích quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - là địa chỉ đỏ của báo chí cách mạng Việt Nam. Đây cũng là lễ kết nạp đảng viên đầu tiên được tổ chức tại địa điểm lịch sử, ý nghĩa này.
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời ngày 4.4.1949, là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ngày 28.3.2019, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL ban hành Quyết định số 1182/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là di tích quốc gia.
Trước đó, ngày 9.8, Hội Nhà Báo Việt Nam phối hợp với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức khánh thành và bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, H.Đại Từ.
Công trình này có bức phù điêu với 48 chân dung các thành viên ban giám hiệu, giảng viên và học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng; hội trường trong lòng đồi phục vụ hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác, có sức chứa trên 150 người; quảng trường mini phục vụ tổ chức sự kiện, rộng 200 m2...
Cạnh đó, công trình còn có nhà trưng bày về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng rộng 80 m2 xây trên đồi cao, phỏng dựng theo tài liệu ghi chép và một số hình ảnh tư liệu để lại, xưa là nhà tre nứa, nay là nhà khung gỗ, mái lá nhân tạo chống cháy.
Dịp này, các đảng viên của Chi bộ tòa soạn Hà Nội Báo Thanh Niên đã trực tiếp tham quan các khu trưng bày, tư liệu, hiện vật về lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam và lắng nghe đại diện Bảo tàng Báo chí Việt Nam giới thiệu về hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa, vai trò và đóng góp to lớn của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước Việt Nam.
Bình luận (0)