Báo Thanh Niên nhận 2 giải C giải Báo chí quốc gia

24/10/2021 21:47 GMT+7

Tối nay 24.10, lễ trao giải Báo chí Quốc gia 2020 đã diễn ra tại Hà Nội. Lễ trao giải lần thứ 15 - năm 2020, được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối tới các địa phương trong cả nước.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu trao giải C cho nhà báo Quý Hiên (Báo Thanh Niên)

NGọc THẮNG

Tham dự lễ trao giải có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa và lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư…

Sau 15 năm, lần đầu tiên có giải đặc biệt

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu, Giải báo chí quốc gia không những là nơi tôn vinh các thành quả lao động trong một năm của đội ngũ nhà báo - cộng tác viên, mà còn là môi trường rèn luyện nghề nghiệp, thử thách tay nghề và bản lĩnh, sự cống hiến không mệt mỏi của các nhà báo trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trên mọi miền Tổ quốc.

Trong hoàn cảnh đất nước phải căng mình chống dịch covid-19 trong năm 2020, Giải Báo chí Quốc gia năm 2020, đã không thể tổ chức được đúng ngày 21.6 - Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, như thường lệ. Tuy nhiên, giải thưởng vẫn tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực và chủ động từ các cấp hội cả nước. Chất lượng tác phẩm của nhiều địa phương được nâng cao. Tác phẩm gửi về dự giải ở mức cao nhất trong nhiều năm từ trước đến nay, với 1.931 tác phẩm, có chất lượng tốt.

Lễ trao giải Báo chí Quốc gia năm nay diễn ra muộn hơn 4 tháng do ảnh hưởng dịch Covid-19

NGọc THắng

Ông Thuận Hữu đánh giá: “Nhìn chung các tác phẩm dự Giải năm nay có chất lượng khá đồng đều, giảm dần sự cách biệt lớn về chất lượng giữa các tác phẩm của các cơ quan báo chí T.Ư và địa phương. Nhiều tác phẩm của các cơ quan báo chí địa phương trong các nhóm thể loại phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (báo in, báo điện tử) và tin, phóng sự, ký sự; phim tài liệu (báo hình), được Hội đồng đánh giá cao.

Nhiều tác phẩm truyền hình là bức tranh bao quát về mọi mặt của đất nước năm 2020, phong phú nội dung, đề tài, chất liệu sinh động, hình ảnh ấn tượng. Tác phẩm Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh, Biên niên sử truyền hình của Báo Nhân Dân là tác phẩm xuất sắc, được trao giải Đặc biệt”.

Hội đồng chung khảo đã chấm 150 tác phẩm thuộc 11 loại giải báo chí, được lựa chọn từ 1.823 tác phẩm của 114 cấp hội và hơn 190 tác giả là cộng tác viên, tham dự 11 loại giải.

Báo Thanh Niên được trao 2 giải C cho loạt bài 5 kỳ: "Chiêu trò để trường đại học được xếp hạng quốc tế"của tác giả Lê Thị Quý Hiên và loạt 4 bài "Sống chung với hạn mặn" của tác giả Lê Đình Tuyển.

Báo chí đi đầu trong những vấn đề lớn, vấn đề mới của đất nước

Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những đóng góp to lớn, thiết thực và nhiệt liệt chúc mừng những thành tích của đội ngũ những người làm báo cả nước; đồng thời chúc mừng các nhà báo vinh dự được trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ 15.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ trao giải

Ngọc THẮNG

Theo Chủ tịch nước, trong năm 2020 và 2021, báo chí đặc biệt tiên phong cung cấp kịp thời thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19, thông tin các quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân; phổ biến về những tấm gương tận tụy, hy sinh của lực lượng chống dịch tuyến đầu, về tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái và tình thương yêu trong cộng đồng, xã hội cũng như cả những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào nơi tâm dịch... Báo chí trên nhiều phương diện, đã là “tấm gương tinh thần trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình”, như lời Các Mác đã nói.

Chủ tịch nước mong muốn, đội ngũ báo chí cả nước cần quán triệt sâu sắc, tuyên truyền mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, các Nghị quyết của T.Ư, chủ trương và giải pháp về phòng chống dịch trong tình hình mới; phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong phòng chống dịch, trong lao động sản xuất, trong bảo vệ trật tự xã hội, an ninh Tổ quốc.

Bên cạnh đó, báo chí cần tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp; đẩy mạnh phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và những biểu hiện tiêu cực khác trong đời sống xã hội, nhất là trong cán bộ đảng viên.

Đặc biệt, Chủ tịch nước lưu ý, lực lượng báo chí tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, nhanh nhạy, kịp thời cung cấp thông tin chính thống, chính xác cho các tầng lớp nhân dân.

“Báo chí cần chủ động đấu tranh chống lại những thông tin xuyên tạc, thông tin sai lệch, chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân ta; không bị dao động, sa ngã trước những tác động xấu của những tư tưởng sai trái, tiêu cực trên mạng xã hội cũng như trong đời sống và mặt trái của kinh tế thị trường. Đảng, Nhà nước luôn mong muốn và yêu cầu đội ngũ những người làm báo vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông nghề nghiệp và có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhân văn”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.