Sáng 9.6, tại Quảng Ninh, Báo Thanh Niên tổ chức hội nghị phóng viên thường trú toàn quốc năm 2023. Đây là lần thứ 2 hội nghị được diễn ra, tiếp nối thành công sau lần tổ chức đầu tiên tại Bình Dương vào năm 2022.
Đến dự hội nghị năm nay có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT).
Báo Thanh Niên nhận Cờ thi đua của Chính phủ
Về phía lãnh đạo các địa phương có ông Trần Lê Đoài, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; ông Nguyễn Hồng Dương, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh; ông Nguyễn Quang Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương; bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Quảng Ninh…
Xác lập vị thế, hình ảnh và thương hiệu của Báo Thanh Niên
Hội nghị phóng viên thường trú toàn quốc là cơ hội để Báo Thanh Niên lĩnh hội các chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền từ cơ quan chủ quản - T.Ư Đoàn, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TT-TT, Hội Nhà báo Việt Nam… về đạo đức nghề nghiệp người làm báo, các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động của phóng viên thường trú.
Báo Thanh Niên hào hiệp, luôn đồng hành cùng người yếu thế
Đây cũng là dịp để tập thể những người làm Báo Thanh Niên lắng nghe ý kiến, chia sẻ từ lãnh đạo các địa phương trong việc phối hợp thông tin tuyên truyền, hoạt động xã hội hướng về cộng đồng… vì mục tiêu phát triển chung.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho biết tính đến ngày 31.5, Báo Thanh Niên có tổng cộng 443 nhân sự làm việc theo chế độ hợp đồng chính thức và gần 100 đội ngũ cộng tác viên trên cả nước.
Trong đó, lực lượng phóng viên thường trú tác nghiệp tại các tỉnh, thành khác ngoài 2 tòa soạn chính (tòa soạn TP.HCM và tòa soạn Hà Nội) là 36 người, chiếm 28,3% lực lượng phóng viên cả nước và chiếm 8,1% so với tổng số nhân sự của toàn cơ quan.
Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Toàn đánh giá, phóng viên thường trú có vai trò rất quan trọng, góp phần phản ánh đầy đủ thông tin, hoạt động của các địa phương, tỉnh, thành trên cả nước và đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho các hoạt động chung của Báo Thanh Niên trên các mặt công tác, từ công tác nội dung, kinh tế báo chí đến các hoạt động từ thiện xã hội vì cộng đồng và các chương trình sự kiện sau mặt báo.
Tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao vai trò của báo Thanh Niên trong 10 năm qua
Có thể ví phóng viên thường trú, các văn phòng đại diện là “cánh tay nối dài” của tòa soạn tại các địa phương trên cả nước, là tuyến đầu của tin tức. Sự hiện diện của lực lượng phóng viên thường trú tại các địa phương không chỉ xác lập vị thế, hình ảnh và thương hiệu của tờ báo, mà còn góp phần hỗ trợ các địa phương quảng bá hình ảnh, tuyên truyền chủ trương, chính sách thông qua việc cập nhật thông tin nhanh nhạy, kịp thời, toàn diện về "bức tranh" kinh tế - xã hội và mọi mặt đời sống tại các địa phương.
“Lắng nghe để soi lại mình rõ hơn”
Theo Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Toàn, những năm qua, Ban Biên tập Báo Thanh Niên luôn quan tâm, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ phóng viên thường trú giỏi nghề, có thể tác nghiệp đa phương tiện, đa nền tảng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức tốt, đảm bảo tác phong, chuẩn mực của người làm báo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của đội ngũ phóng viên thường trú hiện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Ví dụ như, lực lượng này chưa thể phủ hết các tỉnh, thành trên cả nước; nhiều phóng viên được phân công kiêm nhiệm phụ trách 2 - 3 tỉnh, thành; riêng một số địa bàn chưa có phóng viên phụ trách thì Báo Thanh Niên sử dụng lực lượng cộng tác viên tin, bài của địa phương.
Đa số phóng viên thường trú hiện nay chưa có văn phòng làm việc tại địa bàn phụ trách; chỉ có một số ít phóng viên hoạt động tại các tỉnh, thành có đặt trụ sở văn phòng đại diện hoặc được các tổ chức đoàn thể ở địa phương tạo điều kiện cho mượn trụ sở đặt văn phòng thường trú.
Trong tiếp cận thông tin, những thông tin mang tính tuyên truyền, tốt đẹp thường được các cơ quan chức năng địa phương cung cấp kịp thời. Ngược lại, một số thông tin phản ánh về tiêu cực, nhạy cảm vẫn còn khó tiếp cận do tâm lý ngại tiếp xúc, né tránh báo chí. Một số trường hợp chậm trả lời hoặc chỉ trả lời cho qua đối với những vấn đề phóng viên phản ánh, gây khó khăn cho quá trình tác nghiệp của phóng viên thường trú.
Hay như việc còn xuất hiện tình trạng cộng tác viên, phóng viên các tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp… khi về địa phương hoạt động báo chí sai tôn chỉ, mục đích hoặc nhũng nhiễu, tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp của các phóng viên thường trú chân chính, trong đó có phóng viên Báo Thanh Niên.
Từ thực tiễn đã nêu, Báo Thanh Niên tổ chức hội nghị phóng viên thường trú quy mô toàn quốc năm 2023 để nhận diện, phân tích, đưa ra các giải pháp mang tính lâu dài, bền vững.
“Chúng tôi mong mỏi được lắng nghe những ý kiến, góp ý chân tình từ lãnh đạo các địa phương - nơi có phóng viên thường trú Báo Thanh Niên, để qua đó đội ngũ phóng viên thường trú soi lại mình rõ hơn và cùng tạo lập nên môi trường hoạt động báo chí lành mạnh tại các địa phương trên cả nước”, Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Toàn nói.
Bình luận (0)