Bảo tồn di tích Chăm Phong Lệ đảm bảo bền vững lâu dài và thẩm mỹ

09/01/2024 11:21 GMT+7

Di tích Chăm Phong Lệ (TP.Đà Nẵng) được phát triển thành Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 và đang trong giai đoạn quy hoạch.

Ngày 9.1, Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng (thuộc Sở Xây dựng Đà Nẵng) cho biết, vừa có thông báo về cuộc thi tuyển phương án quy hoạch, kiến trúc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 – giai đoạn 1 (tại di tích Chăm Phong Lệ, P.Hòa Thọ Đông, Q.Cẩm Lệ) để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia.

Theo đơn vị này, di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ được tiến hành khảo cổ từ năm 2011- 2012 và gần đây là đợt khảo cổ năm 2018. Các dấu tích phát lộ qua các đợt khảo cổ đều khẳng định di tích Chăm Phong Lệ rất giá trị và có vai trò rất quan trọng trong hệ thống các công trình văn hóa Chăm ở Việt Nam và khu vực.

Bảo tồn di tích Chăm Phong Lệ đảm bảo bền vững lâu dài và thẩm mỹ- Ảnh 1.

"Hố thiêng" tại nền móng của một tháp Chăm được đánh giá lớn nhất miền Trung thuộc khu vực di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ

HOÀNG SƠN

Để lựa chọn được phương án tối ưu nhằm bảo tồn di tích khảo cổ, Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đà Nẵng mời các đơn vị tham gia cuộc thi nhằm lựa chọn phương án quy hoạch, kiến trúc tối ưu, có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; bảo tồn toàn bộ di tích Chăm được khảo cổ phát lộ đảm bảo bền vững lâu dài và thẩm mỹ.

Phương án được lựa chọn cũng nhằm đảm bảo công năng sử dụng phù hợp các yêu cầu kỹ thuật khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan hài hòa với không gian xung quanh, tạo điểm nhấn và mang nét đặc trưng riêng về kiến trúc văn hóa Chăm cho khu vực và thành phố, phục vụ nhu cầu người dân và du khách…

Như Thanh Niên đã thông tin, khu di tích đền tháp Chăm Phong Lệ là một tổ hợp kiến trúc phân bố trên một gò đất cao, được bao quanh bởi một dòng chảy thuộc sông Cẩm Lệ.

Di tích này có khả năng được quy hoạch với các cấp nền khác nhau với một đền tháp chính ở cấp nền trung tâm cao nhất, vây quanh là hệ thống tường bao ngăn cách khu vực trung tâm với vùng ngoại vi. Căn cứ các hoa văn trang trí trên gạch di tích, các nhà nghiên cứu xếp niên đại di tích này vào khoảng thế kỷ thứ 10.

Bảo tồn di tích Chăm Phong Lệ đảm bảo bền vững lâu dài và thẩm mỹ- Ảnh 2.

Sau lần khai quật gần nhất - năm 2018, di tích Chăm Phong Lệ vẫn phơi mưa nắng khiến người dân bức xúc

HOÀNG SƠN

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện nền móng một tháp Chăm lớn nhất miền Trung với một "hố thiêng" rất độc đáo, thuận lợi cho công tác nghiên cứu chuyên sâu về kiến trúc, văn hóa Chăm.

Sau 3 lần khai quật (vào các năm 2011, 2012, 2018) với những kết luận nhấn mạnh tính độc đáo, khu di tích Chăm Phong Lệ được xếp hạng di tích cấp thành phố vào năm 2021.

Dự án này đang chậm tiến độ vì nhiều nguyên nhân. Theo đó, mặc dù dự án được HĐND thành phố Đà Nẵng ban hành nghị quyết thống nhất chủ trương đầu tư (tổng mức đầu tư hơn 140 tỉ đồng) đã gần 1 năm qua nhưng đến nay việc thi tuyển phương án quy hoạch, kiến trúc mới được triển khai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.