UBND tỉnh Đắk Nông vừa có văn bản chỉ đạo Sở VH-TT-DL tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thành lập các tổ hợp tác dệt thổ cẩm; tổ chức các hội thi tay nghề giỏi dệt thổ cẩm từ cấp thôn, buôn đến cấp tỉnh. Ngoài ra còn có hình thức vinh danh các nghệ nhân dệt thổ cẩm có tay nghề giỏi, nhằm khuyến khích, động viên người dân đóng góp vào công tác bảo tồn nghề dệt thổ cẩm và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Bên cạnh đó, tổ chức các lớp dạy kỹ năng dệt thổ cẩm, gắn với phát triển du lịch bền vững, tìm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm tại các điểm du lịch, tham mưu tổ chức lễ hội có hoạt động thổ cẩm.
UBND các huyện và TP.Gia Nghĩa được giao chỉ đạo các phòng, đơn vị hằng năm rà soát, lập danh sách và xây dựng hồ sơ nghệ nhân dệt thổ cẩm. Báo cáo UBND tỉnh xem xét, đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể.
Trước đó, Bộ VH-TT-DL đã đưa nghề dệt của người M'Nông (tỉnh Đắk Nông) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo thống kê, Đắk Nông là tỉnh có cộng đồng dân cư gồm 40 dân tộc cùng sinh sống. Hiện trên địa bàn có 895 nghệ nhân biết dệt thổ cẩm, trong đó: nghệ nhân người dân tộc M'Nông có 647 người, dân tộc Mạ 66 người, Ê Đê 80 người, Dao 25 người, Thái 20 người… Sản phẩm thổ cẩm rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại (vòng tay, vòng cổ, giỏ xách, chăn, áo, váy, khố), tất cả đều có bản sắc riêng.
Bình luận (0)