Bảo tồn thế nào bức tranh tường vẽ quảng cáo thời Pháp

16/01/2023 07:47 GMT+7

Giữ tại chỗ hay không, mang đi dưới hình thức nào bức tranh tường vẽ quảng cáo thời Pháp là điều Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang cân nhắc.

Bức tranh với rất nhiều chữ tiếng Pháp trên mảng tường sơn đang rất dễ bong tróc vừa được phát hiện tại khu vực trạm biến áp Cửa Nam (Q.Hoàn Kiếm). Những hình vẽ, chữ viết cho thấy đây là một mảng tường được vẽ quảng cáo. Trên đó, có quảng cáo nước khoáng Evian cũng như quảng cáo công ty lốp và cao su Goodyear (một công ty sản xuất lốp đa quốc gia). “Một món quà của lịch sử”, TS Nguyễn Thế Sơn (Khoa Các khoa học liên ngành, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết.

Các quảng cáo sinh động được vẽ trên tường

Thịnh Hồ

Một chuyên gia bảo tồn cho rằng, việc bảo tồn bức tường này cần được cân nhắc trên nhiều yếu tố. Thứ nhất, phải cân nhắc xem có nên để lại bức tranh tường và mảng tường này tại chỗ hay không. Điều này sẽ được quyết định dựa trên giá trị văn hóa lịch sử của tranh, chẳng hạn, những bức tranh này có cho thấy một chỉ báo đặc biệt gì không. Trường hợp không giữ tại chỗ, cũng sẽ phải cân nhắc nhiều phương án xem nên chỉ ghi hình làm tư liệu, hay phục dựng lại bức tường, hoặc “in lại” một bức tường mới và mang đi chỗ khác… “Không thể di sản nào cũng giữ lại nguyên trạng được, nhất là trong phát triển đô thị”, vị chuyên gia này cho biết.

Là một chuyên gia quen thuộc, uy tín trong việc làm mới các không gian công cộng ở Hà Nội như phố Phùng Hưng, hội quán Quảng Đông ở Hàng Buồm, với “món quà” được phỏng đoán khoảng 100 tuổi này, ông Sơn đưa ra một phương án bảo tồn. Phương án này vừa bảo tồn bức tranh tường vừa xây dựng một không gian công cộng tại khu vực phát hiện tranh.

TS Trần Hậu Yên Thế (Khoa Các khoa học liên ngành, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng nếu giữ nguyên trạng được thì tốt tuy đây là một hiện vật rất khó giữ. “Vật liệu không bền vững. Nó dễ trở thành tiêu sản đấy, nhưng để nguyên ở đó thì nó có cái ngữ cảnh của văn hóa thương mại phố chợ”, ông Thế nói.

Cũng có ý tưởng cho rằng liệu có nên “hóa thạch” bức tường bằng cách đổ composite ra ngoài. Cách này rất giống với các tác phẩm “hóa thạch” di sản của nhà điêu khắc Vương Văn Thạo. Về điều này, ông Thế cho rằng không nên như vậy. “Cách đây nhiều năm Trung Quốc cũng có hệ thống bích họa như vậy. Họ dùng các màng phủ ni lông trong suốt, hăng hái phủ lên. Sau đấy nó được bề mặt nhưng do chân bị ẩm nên rụng cả mảng rất đau xót”, ông Thế nói.

Ông Thế cũng chia sẻ một cách làm đã áp dụng. Đó là quy hoạch cả một khu bích họa để làm du lịch và đưa một phương án là có kính cường lực để che phía trước không ai xâm hại, phía trên có mái che bức tường. “Nhưng phương án này cũng phải tính chuyện xử lý phía dưới để chống ẩm”, TS Thế nói.

Về việc này, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm, cho biết quận sẽ cân nhắc và chốt phương án sau tết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.