Làng gốm Chăm Bàu Trúc tỉnh Ninh Thuận và làng gốm Chăm Bình Đức tỉnh Bình Thuận là những làng nghề truyền thống lâu đời, tiêu biểu không chỉ ở Việt Nam mà cả ở khu vực Đông Nam Á.
Tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nhà khoa học, quản lý… đã trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan đến việc nhận diện giá trị nghệ thuật làm gốm của người Chăm, để xây dựng các giải pháp phù hợp và khả thi nhất nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm của người Chăm theo tiêu chí đã cam kết khi nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, cũng như đưa ra các giải pháp nâng cao hoạt động sản xuất gốm Chăm tại làng gốm Bàu Trúc; giải pháp khai thác hiệu quả nghệ thuật làm gốm của người Chăm cho phát triển du lịch, tạo thu nhập bền vững, nâng cao đời sống cho người dân…
GS-TS Trương Quốc Bình, nguyên Phó cục trưởng Cục di sản văn hóa đã chỉ ra những thách thức trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản gốm Chăm trong bài tham luận Bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Việt Nam. Qua đó, đưa ra các kiến nghị nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn các di sản văn hóa Chăm ở Việt Nam trong thời gian tới. PGS-TS Đặng Văn Thắng, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, TP.HCM với tham luận Nghiên cứu gốm Bàu Trúc phục vụ việc bảo tồn và phát huy giá trị, đã đưa ra những giải pháp bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị của gốm Bàu Trúc. PGS-TS Trương Văn Món, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, TP.HCM với tham luận Nghệ thuật làm gốm của người Chăm những vấn đề cần bảo vệ khẩn cấp theo tiêu chí của UNESCO đã phân tích thực trạng, những thách thức đe dọa đến các giá trị của gốm Chăm khi có những cải tiến làm thay đổi giá trị và tiêu chí bảo tồn di sản và đề xuất những nhóm giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy Nghệ thuật làm gốm của người Chăm theo tiêu chí UNESCO…
Ông Nguyễn Long Biên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, ghi nhận những ý kiến đóng góp, đề xuất tâm huyết của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, quản lý… trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm của người Chăm. Ông Biên yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan chuẩn bị các nguồn lực để xây dựng đề án cụ thể hoá chương trình Hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể Nghệ thuật làm gốm của người Chăm (giai đoạn 2023 - 2028) mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết với UNESCO; tiếp tục nhận diện các mặt giá trị của di sản, đánh giá tình trạng sức sống di sản sau khi được ghi danh để thúc đẩy các biện pháp bảo vệ khẩn cấp đối với di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm; xuất bản các công trình nghiên cứu là sản phẩm các cuộc hội thảo về Nghệ thuật làm gốm của người Chăm để phổ biến tri thức và sự hiểu biết về di sản, thúc đẩy cộng đồng liên tục thực hành, trao truyền và phát triển nghề để Nghệ thuật làm gốm Chăm phát triển ổn định, không chỉ bảo tồn được mà còn là sinh kế của người dân và là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Bình luận (0)