MINH CHỨNG CHO NỀN ĐIÊU KHẮC RỰC RỠ
Dạo một vòng quanh Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, có thể nhận thấy tượng Gajasimha thuộc vào hàng hiện vật có khối lượng và kích thước "khủng" nhất nhì. Tượng đang được trưng bày tại Phòng Tháp Mẫm của bảo tàng, ký hiệu BTC 221 (ký kiệu cũ là 38.7), chất liệu sa thạch; kích thước cao 215 cm, dài 100 cm, rộng 84 cm. Theo hồ sơ hiện vật, tượng được khai quật tại phế tích Tháp Mẫm, Bình Định vào năm 1934 và đưa về bảo tàng vào năm 1935.
Tượng Gajasimha có đầu voi, mình sư tử trong dáng đứng thẳng trên chiếc bệ hình chữ nhật, thân hình mập mạp, to khỏe. Mặt tượng nhìn về phía trước, đầu ngẩng, miệng voi há rộng, vòi uốn cong vươn cao lên khỏi đầu, hai ngà ngắn đưa thẳng ra phía trước. Đặc sắc hơn, dưới 3 ngấn cổ là vòng cườm gồm những hạt tròn, tiếp nữa là vòng lục lạc với 14 cái được chạm nổi có hoa văn trang trí rất đẹp. Sinh thực khí nổi rõ ngay dưới đuôi của tượng cho ta biết được đây là linh vật giống đực.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho biết tượng Gajasimha cũng được tìm thấy tại một số địa điểm, di tích đền tháp Chăm khác ở miền Trung như Gajasimha ở Trà Kiệu (Quảng Nam) có thân mình sư tử với đôi chân ngắn, dáng thô; nhóm hiện vật Gajasimha ở Bằng An, Chiên Đàn (Quảng Nam) gồm 4 tượng với thân hình sư tử béo lùn, ưỡn ngực ra phía trước, chân dài, đầu ngẩng. Còn hai hiện vật Gajasimha ở Chánh Lộ (Quảng Ngãi) với thân hình sư tử mình dài, chân ngắn, các chi tiết trang trí và phần vòi đã bị sứt, vỡ nhiều... Các tượng Gajasimha này có hình dạng không cân đối, chạm khắc đơn giản, thể hiện các phong cách nghệ thuật Trà Kiệu, Chánh Lộ, Đồng Dương… trong khoảng thế kỷ 7 - 11.
"Hiện vật Gajasimha ở bảo tàng là một bằng chứng vật chất độc đáo minh chứng cho một giai đoạn nghệ thuật điêu khắc Chăm phát triển rực rỡ ở thế kỷ 12 - 13. Đây là giai đoạn mà Vương quốc Champa đã chuyển kinh đô về Bình Định và đặt tên là kinh đô Vijaya (còn gọi là thành Chà Bàn). Nghệ thuật điêu khắc Chăm cũng chuyển sang một phong cách mới mẻ hơn, có nhiều yếu tố khác biệt so với các thời kỳ trước gọi là phong cách nghệ thuật Tháp Mẫm", hồ sơ bảo vật nêu.
TƯỢNG DO TU SĨ TẠC ?
So sánh với các hiện vật Gajasimha được phát hiện ở các địa phương tại miền Trung, hiện vật đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là hiện vật thuộc dạng đẹp nhất, còn nguyên vẹn nhất, đầy đủ và tiêu biểu nhất về hình thức và nội dung thể hiện. Cách thức trang trí và đường nét điêu khắc của hiện vật Gajasimha được thể hiện rất riêng biệt, không thể trộn lẫn với bất cứ hiện vật nào khác được tìm thấy trong các đền tháp Chăm đã được phát hiện.
Cũng theo đánh giá của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, tượng Gajasimha được chế tác dưới dạng tượng tròn, kích thước lớn, nặng khoảng 2 tấn là tác phẩm tiêu biểu trong số những tượng Gajasimha được tìm thấy trong nền nghệ thuật điêu khắc Chăm. Bố cục bức tượng thể hiện con vật trông rất mạnh mẽ, với dáng vẻ hân hoan, ngộ nghĩnh nhờ cái vòi vươn cao lên, 4 chân cao cân đối và những chi tiết chạm khắc trên cơ thể được thể hiện hoàn hảo, đầy ấn tượng và sống động. Các hoa văn chạm khắc xung quanh bức tượng được đặc tả hết sức chi tiết, độc đáo, tỉ mỉ và đầy tính sáng tạo, thể hiện bàn tay tài hoa và tâm hồn bay bổng của các nghệ nhân Chăm.
Từ những nhận định này, nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương phân tích với kiểu tượng tròn, to lớn và đường nét điêu khắc độc đáo, tượng Gajasimha cũng là minh chứng cho một triều đại Champa phát triển đỉnh cao về kinh tế lẫn nghệ thuật. "Bởi chỉ có những quốc gia giàu có, đi kèm đó là nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cao thì mới có những tuyệt tác điêu khắc đồ sộ như thế. Vậy ai có thể điêu khắc những tác phẩm xuất sắc đến như vậy?", ông Trần Kỳ Phương đặt câu hỏi và lý giải: "Với pho tượng chuẩn quy cách, chuẩn tỷ lệ vàng như mô tả trong kinh kệ của Hindu giáo thì tượng có thể được điêu khắc bởi bàn tay của chính những tu sĩ dưới sự giúp sức của các cư sĩ. Bởi tu sĩ là người có thể nắm đầy đủ nhất tinh thần của pho tượng…".
Về cách thức vận chuyển bức tượng, ông Trần Kỳ Phương cho biết cách đây khoảng 100 năm việc vận chuyển pho tượng nặng khoảng 2 tấn từ Bình Định về Đà Nẵng (khoảng cách hơn 300 km) bằng đường bộ là hết sức khó khăn. Thời điểm đó, trước bảo tàng có một bến tàu nên bức tượng đã được vận chuyển bằng đường thủy trên ghe bầu cỡ lớn. Ông Trần Thanh Hà, Phó giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, cho biết thêm căn cứ những bức ảnh tư liệu đang được lưu trữ tại bảo tàng, có thể thấy để vận chuyển bức tượng người ta phải dùng hệ thống pa-lăng để nâng, hạ pho tượng lên xuống ghe bầu. Sau đó, dùng những súc gỗ tròn để lăn bức tượng đi.
"Để bảo quản những bức tượng lớn, người ta bện rơm lại thành những dây thừng dài rồi quấn quanh bức tượng. Ảnh tư liệu cho thấy các bức tượng được bảo vệ hết sức chặt chẽ và cách bảo quản dân gian này đã phát huy tác dụng trong thời điểm còn thiếu thốn phương tiện", ông Hà đánh giá. (còn tiếp)
Tìm thấy tượng Gajasimha "song sinh" ở Bình Định
Ngay tại địa điểm phế tích Tháp Mẫm (Bình Định), vào năm 2002, Bảo tàng Bình Định đã phát hiện một hiện vật Gajasimha và đưa về trưng bày tại bảo tàng. Tượng Gajasimha này có cùng hình dáng, kích thước với bức tượng ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Các tài liệu cho biết, qua so sánh hai pho tượng Gajasimha, các chuyên gia nhận định có khả năng trong lịch sử hai pho tượng này là cặp "song sinh".
Bình luận (0)