Bảo vật quốc gia: Chiếc bình 'da cóc' với đàn bò đúc thủng

02/05/2024 07:29 GMT+7

Bình đồng Đông Sơn trong bộ sưu tập An Biên có toàn thân trang trí chấm nổi như da cóc, lại có hình đàn bò và hươu được đúc thủng.

Chiếc bình con tiện độc đáo

Các nhà khoa học thuộc Hội đồng di sản quốc gia hầu như đều đã nhìn tận mắt hai chiếc bình đồng Đông Sơn ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Hai chiếc bình này được đánh giá là có hình dáng tương tự như bình đồng Đông Sơn thuộc bộ sưu tập An Biên (Hải Phòng), tuy nhiên kích thước của chúng nhỏ hơn bình đồng An Biên. Lớp patin của chúng cũng không dày và bóng như bình An Biên.

Chiếc bình đồng An Biên (giữa) thuộc sở hữu của ông Trần Đình Thăng

Chiếc bình đồng An Biên (giữa) thuộc sở hữu của ông Trần Đình Thăng

TRINH NGUYỄN

Tuy nhiên, điều được đánh giá cao nhất của bình đồng An Biên chính là hoa văn trang trí. Hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết bình đồng An Biên có băng hoa văn trổ thủng ở vành chân đế, đó là hình hươu và bò, được diễn tả sinh động, theo ngược chiều kim đồng hồ. Trong khi đó, "cũng là chân đế, bình Phú Xuyên và Thanh Hóa hoàn toàn là hoa văn chữ "S" biến thể, thô cứng và thiếu biểu cảm, được phô diễn chỉ như một nét phổ biến của nghệ thuật tạo hình Đông Sơn".

Về kỹ thuật chế tác, Sở VH-TT Hải Phòng cho biết: "Bình được đúc bằng kỹ thuật ghép khuôn và là khuôn phá, đúc một lần. Dấu vết kỹ thuật còn lưu lại rõ trên nắp, thân và chân bình. Nắp và thân đúc riêng biệt, độc lập, có dây xích để giữ với nhau".

Kết quả của kỹ thuật đúc này là bình đồng An Biên với thể khối lớn, dáng cao (cao 53,5 cm), cân đối, miệng thu đứng (đường kính 15,7 cm), nắp hình cầu dẹt, vai xuôi, bụng phình (đường kính 37 cm), chân xòe rộng (đường kính 34 cm). Toàn thân bình trang trí chấm nổi như da cóc và có 6 đai nổi ở quanh miệng, cổ và thân, tạo sự chắc chắn cho thân bình. Hoa văn trang trí sử dụng kỹ thuật đúc nổi.

Cụ thể, vai bình trang trí nổi băng hoa văn hình tam giác có mũi nhọn dài. Đệm giữa các hình tam giác này là chấm tròn nổi. Hai quai hình chữ "U" ngược, khi nhìn ngang, hai quai bình như một linh vật với bốn chân, đầu to, thân nhỏ, đuôi cao. Chân đế bình đúc thủng, trang trí hai băng hoa văn: Phía trên là đàn hươu, phía dưới là đàn bò nối đuôi nhau và di chuyển theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Hình hươu và bò được đúc thủng, thể hiện không gian 3 chiều. Tổng thể chân đế bình trang trí 8 hươu và 8 bò.

Theo hồ sơ bảo vật, bình đồng ở những thế kỷ đầu Công nguyên, được gọi bằng cái tên "bình con tiện" khá phổ biến, nhưng đơn giản và nhỏ bé, hoa văn chủ yếu là những đường sống nổi và mặt hổ phù ngậm vòng. Bình đồng An Biên (Hải Phòng) có niên đại sớm hơn, cũng khác biệt so với phức hợp đồ đồng Đông Sơn nói chung và so với bình đồng sau đó nói riêng, thể hiện một giai đoạn lịch sử, mang đậm cá tính của nghệ thuật Đông Sơn điển hình, cho dù có sự giao thoa và tiếp biến với bên ngoài.

Giao thoa của 3 trung tâm đúc đồng

Xuyên suốt hồ sơ bảo vật quốc gia của bình đồng An Biên, các nhà khoa học nhắc nhiều đến sự tương đồng của bình An Biên và hai chiếc bình ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Chúng đều có điểm chung là kiểu quai hình chữ U lộn ngược, không khác gì quai của thạp đồng Đông Sơn, có niên đại thế kỷ 2 - 1 trước Công nguyên. Thạp đồng cùng với trống đồng, dường như là hai loại hình mang giá trị đặc trưng và là biểu tượng của văn hóa Đông Sơn.

Bảo vật quốc gia bình đồng An Biên

Bảo vật quốc gia bình đồng An Biên

TL CỤC DI SẢN VĂN HÓA

Thêm vào đó, đặc trưng Đông Sơn của những chiếc bình này còn biểu hiện ở hoa văn trang trí, đó là hoa văn hình học (chữ S biến thể, hoa văn tam giác nhọn) và hoa văn động vật (hươu và bò). Hồ sơ cho biết, hoa văn hươu và bò trên chân đế của bình đồng An Biên theo kỹ thuật đúc thủng phản ánh sự sáng tạo của nghệ nhân đúc đồng thời Đông Sơn. Bò và hươu ở chân đế bình An Biên thể hiện được sự chuyển động qua tư thế đầu ngoảnh lại và chân bước đi. Bố cục theo hình tròn của khí vật và ngược chiều với kim đồng hồ càng cho thấy cảm giác chuyển động rõ nét.

"Hươu với các tư thế đầu ngoảnh lại phía sau như đang nhởn nhơ vui đùa, bứt lá. Bò thì lầm lũi đi về phía trước như đang phải chịu sự thúc ép của chủ nhân ở đằng sau. Tất cả đều hướng thân về trước, nhưng ở bốn chân lại có sự chuyển động với chân co, chân duỗi trong tư thế chuyển động gấp gáp tưởng như không dừng. Lối thể hiện này đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng Đông Sơn", hồ sơ bảo vật nêu.

Cũng theo hồ sơ, nếu trên các trống đồng, thạp đồng, chúng ta chỉ gặp những băng hình hươu, hình bò được khắc in trên mặt của khuôn, thì với lối tạo hình trổ thủng ở bệ chân chiếc bình này, người nghệ nhân phải biết cách cắt, khoét đất sao cho họa tiết được sinh động, nhưng vẫn đảm bảo độ dày, mỏng của sản phẩm. Đó chính là sự khác biệt lớn của các nghệ nhân Đông Sơn khi tạo tác khuôn đúc cho các bình nói chung và bình đồng này nói riêng.

Bình đồng An Biên, theo hồ sơ bảo vật, còn cho thấy sự giao thoa và tiếp biến văn hóa qua chi tiết dây xích giữ nắp bình, qua những đường gờ đúc nổi trên thân bình, qua chân đế quá cao so với tỷ lệ toàn thân bình. Đó là những yếu tố không quá phổ biến trong các loại hình đồ đồng Đông Sơn, nhưng cũng đã từng thấy ở nam Trung Quốc - một khu vực địa lý nhân văn thuộc Đông Nam Á thời cổ. Thời kỳ đó, Đông Sơn ở bắc Việt Nam, Quảng Đông - Quảng Tây và Vân Nam - Quý Châu ở nam Trung Quốc là 3 trung tâm đúc đồng nổi tiếng, là 3 đỉnh chói sáng của văn hóa đồ đồng thời cổ đại của cộng đồng Bách Việt. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.