Bảo vật quốc gia - Kỳ 10: Ba khẩu thần công dưới đáy biển

14/01/2014 10:15 GMT+7

Được phát hiện và trục vớt lên sau gần 200 năm chìm dưới đáy biển, ba khẩu thần công triều Nguyễn còn nguyên vẹn với những hoa văn tinh xảo đúc nổi trên thân súng.

 
Một trong ba khẩu thần công sau khi được phục chế - Ảnh: K.Hoan

Giữa tháng 8.2003, trong khi đang lặn sò ngoài khơi vùng biển Hà Tĩnh, cách đất liền 36 hải lý, một nhóm thợ lặn người xã Cẩm Lĩnh, H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh phát hiện một con tàu cổ chìm dưới đáy biển. Nhóm thợ lặn này đã đào bới để tìm kiếm cổ vật và phát hiện một số cổ vật quý, trong đó có 3 khẩu thần công. Sau 10 ngày tìm cách trục vớt 3 khẩu súng này nhưng không thành vì súng có trọng lượng quá nặng, những thợ lặn đã hợp tác với một chủ tàu có cần cẩu ở xã Thạch Kim, H.Thạch Hà ra trục vớt súng với phương thức ăn chia cổ vật. Khi khẩu thần công thuộc phần chủ tàu được mang đi bán thì bị công an phát hiện, thu giữ. Từ đó, Bảo tàng Hà Tĩnh biết tin và đến vận động người dân giao nộp hai khẩu còn lại.

Ông Nguyễn Trí Sơn, Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết sau khi nhận về, ba khẩu súng này đã được bảo quản và phục chế rất công phu. “Sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia, anh em cán bộ chúng tôi phải xây bể, thực hiện ngâm rửa qua nhiều lần nước lạnh và hóa chất thì lớp hà bên ngoài mới bong ra và lộ rõ những hoa văn và chữ đắp nổi trên thân súng”, ông Sơn kể.

Độc đáo và nguyên vẹn

Ông Sơn cũng cho rằng giá trị của ba khẩu thần công này là tính độc đáo nhờ hoa văn dày đặc, được đúc nổi rất tinh tế, công phu và được nạm bạc rất cầu kỳ, hiếm thấy ở những khẩu thần công khác đã được phát hiện. Mặc dù bị chìm dưới đáy đại dương gần 200 năm nhưng nó vẫn còn giữ được sự nguyên vẹn, kể cả những họa tiết nhỏ nhất trên thân súng.

Qua nghiên cứu những thông tin được khắc họa trên súng, theo ông Sơn, ba khẩu này nằm trong một bộ thần công được ghi thứ tự từ một đến ba.

Toàn bộ thân súng đều được đúc cùng một chất liệu là đồng, cùng thời điểm là năm Minh Mạng thứ nhất (1820), súng được đặt tên là Bảo quốc An dân Đại tướng quân. Hình dáng, kích thước và các hoa văn trang trí trên thân súng đều giống nhau. Mỗi khẩu nặng hơn 1,2 tấn, dài 2,43 m, đường kính thân súng 40 cm, đường kính nòng súng 11 cm; giữa thân súng có hai quai chạm khắc hình rồng và hai tai tròn làm giá đỡ cho súng. Một bên tai có hàng chữ Hán thông tin về trọng lượng, kích thước, chiều dài và đường kính của súng. Trên các nịt bao quanh thân súng có trang trí nhiều dải hoa văn khảm bằng bạc dán vào thân súng rất đẹp và tinh tế. Cuối thân súng có biểu tượng hình quả tim và bài minh văn bằng chữ Hán. Các hoa văn trên thân súng thể hiện với các đề tài truyền thống như cúc dây, rồng chầu mặt nguyệt, đầu rồng, mây, chấm tròn, đường tròn đồng tâm. Rồng chầu mặt nguyệt bao quanh bài minh văn chữ Hán. Rồng ở đây bốn móng sắc nhọn, đuôi xoắn cong dữ tợn theo phong cách thời Nguyễn. Phía trên bài minh văn trang trí hình lá đề.

Ông Sơn cũng cho biết trước khi được trục vớt, hoa văn và chữ Hán trên ba khẩu thần công này đều được nạm bạc cầu kỳ, tinh tế. Tuy nhiên sau khi được trục vớt lên, hai khẩu thần công đã bị người dân bóc hết phần nạm bạc có trên súng, khẩu còn lại vẫn còn một số hoa văn có nạm bạc ở phần đầu, thân và phần chữ Hán.

Trên thân súng, mỗi khẩu đều có một bài thơ bằng chữ Hán, nội dung ở khẩu thứ nhất, ghi (tạm dịch): “Minh Mệnh năm thứ nhất/Gom đồng được vạn cân/Sai đúc khẩu thần công/Để đời sau biết rằng/Chúc mừng vua lên ngôi/Xua tan những điều xấu/Truyền lại cho con cháu/Để đất trời bình yên”. Ở khẩu thứ ba, ghi: “Minh Mệnh năm thứ nhất/Gom đồng được vạn cân/Sai đúc khẩu thần công/Để đời sau biết rằng/Ngăn ngừa sự khinh lờn/Lấy chính nghĩa thắng tà/Văn võ đều dụng được/Chúc mừng vua muôn năm”. Riêng khẩu thứ hai bài thơ đã bị mờ, không đọc được.

Phía dưới thân ba khẩu thần công đều ghi dòng chữ Hán tên người nhận lệnh vua đúc súng, được phiên âm là: Vụ Khố thần Trần Đăng Long phụng chú. 

Năm 2006, Bảo tàng Hà Tĩnh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia phục chế lại khẩu thần công thứ hai bằng cách thuê thợ nạm bạc lại phần hoa văn bị bóc bạc. Hiện nay, khẩu súng này đã được phục chế thành công, trả lại hình dáng ban đầu của hiện vật.

“Theo các tài liệu Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, trong thời gian trị vì, vua Minh Mệnh cho đúc 269 khẩu thần công bằng đồng trong đó có ba khẩu mang tên Bảo quốc An dân Đại tướng quân hiện chúng tôi đang lưu giữ, bảo quản. Ba khẩu thần công này còn là báu vật được tôn sùng như thần linh truyền nối các đời sau thờ cúng. Đó là biểu tượng uy quyền của nhà vua, sức mạnh của một đất nước đang phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Điều này không chỉ thể hiện ở tên súng, kích thước, trọng lượng mà còn thể hiện ở hoa văn trang trí của súng đạt trình độ thẩm mỹ, văn hóa, khoa học cao. Ba khẩu thần công này rất hiếm, có giá trị nổi bật, tiêu biểu quốc gia vào loại bậc nhất”, ông Sơn đánh giá. 

K.Hoan - Nguyên Dũng

>> Đúc trống đồng, súng thần công dâng anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đúc trống đồng, súng thần công và kiếm lệnh dâng Đại tướng
>> Súng thần công bắn tiểu hành tinh
>> Phát hiện súng thần công gần 200 tuổi
>> Phát hiện súng thần công thời Minh Mạng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.