Bảo vật quốc gia: Mộc bản chùa Trăm Gian ghi dấu dòng thiền Lâm Tế và nghề in

08/05/2024 07:00 GMT+7

Không chỉ truyền dạy đạo Phật, mộc bản chùa Trăm Gian còn cho thấy tài năng in khắc của thợ lành nghề đất Hải Dương.

Những bộ kinh, bộ luật Phật giáo lớn

Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, chùa Trăm Gian (tên chữ là Vĩnh Khánh tự, H.Nam Sách, Hải Dương, di tích quốc gia từ năm 1990) là trung tâm Phật giáo lớn của tỉnh Hải Dương, một chốn tổ của Thiền phái Lâm Tế vào thời Lê Trung hưng. Chùa có 100 gian lớn nhỏ với quy mô rộng lớn, kiến trúc độc đáo ở VN. Chùa có liên hệ mật thiết với chùa Bổ Đà (Việt Yên, Bắc Giang) do cùng sơn môn. Cả hai chùa từng là nơi quy tụ những nhà sư, tăng sĩ am tường Phật học đến giảng đạo, giảng kinh, các tăng sĩ khắp miền Bắc đổ về học đạo. Cũng từ việc học đạo này, nhu cầu in ấn kinh, sách, luật của Phật học được đặt ra ở nơi đây.

Có tới 896 mộc bản thuộc bộ mộc bản chùa Trăm Gian, được chia thành 26 bộ kinh sách, 7 mộc bản tồn nghi và 67 mộc bản khắc mới. Thống kê của giới nghiên cứu Hán Nôm cho thấy mộc bản tại đây phần lớn là các bộ kinh và bộ luật lớn được lưu truyền rộng rãi trong Phật giáo. Có thể kể đến các bộ kinh như: Dược sư kinh, Nhân Vương hộ quốc kinh, Ngự chế khóa hư, Viên Giác kinh lược sớ…

Bảo vật quốc gia: Mộc bản chùa Trăm Gian ghi dấu dòng thiền Lâm Tế và nghề in- Ảnh 1.

Chùa Trăm Gian

TƯ LIỆU CỤC DI SẢN VĂN HÓA

Mộc bản chùa Trăm Gian còn có những sớ điệp, ván lục thù… dùng vào việc thực hành nghi lễ thờ cúng ở chùa hay in áo cho các thiền sư, cùng sách liên quan đến lễ nghi Phật giáo như các khoa cúng Thỉnh Phật, Phát tấu, Cúng tổ, Gia sư khoa. Nổi bật trong số các hình khắc dạng này là các hình khắc Phật Thích Ca tọa trên đài sen thuyết pháp, thập vật, đồ hình… Các họa tiết này mang lại giá trị thẩm mỹ cao, nét đẹp hài hòa giữa chữ và tranh, góp phần làm tăng thêm ý nghĩa Phật giáo và có tác động trực diện đến việc truyền thụ và tiếp nhận Phật giáo.

Đáng chú ý hơn cả, có những mộc bản luận bàn, chú giải các kinh điển hay luật của Phật giáo như: Tịnh độ hoặc vấn, Tịnh Độ thập nghi, Tông bản luận… Những văn bản này đều được chùa Trăm Gian biên soạn theo lối riêng, mang tính chất đặc biệt của sơn môn Bổ Đà và Thiền phái Lâm Tế thế kỷ 18 về sau ở miền Bắc.

Mộc bản chùa Trăm Gian có hình chữ nhật, kích thước các mộc bản không đồng đều tùy theo từng bộ kinh sách mà có độ lớn nhỏ khác nhau. Do đã qua nhiều lần in dập nên các mộc bản đều có màu đen bóng, bề mặt phủ một lớp dầu mực in khá dày. Lớp mực bám dày này có tác dụng chống thấm nước và mối mọt rất hiệu quả. Chính vì vậy, hiện nay số mộc bản chùa Trăm Gian cơ bản vẫn nguyên vẹn, gần như không bị nấm mốc do điều kiện khí hậu và thời tiết.

Đa phần các mộc bản được khắc trên 2 mặt, chỉ một số lượng nhỏ khắc 1 mặt. Mỗi mặt là hai trang sách. Mỗi mộc bản thường được khắc chữ và đồ án trang trí đúng theo quy chuẩn in. Ở một số mộc bản tương ứng với trang đầu hay trang cuối của mỗi cuốn sách, thường có lạc khoản cho biết thời gian san khắc, người san khắc, địa điểm tàng trữ. Nhiều mộc bản không ghi niên đại nhưng vẫn định được niên đại qua phong cách văn tự. Các mộc bản tại chùa Trăm Gian thể hiện địa điểm san khắc là chùa Trăm Gian và san khắc nhiều lần trong khoảng thời gian từ thời Hậu Lê (thế kỷ 17) đến thời Nguyễn (thế kỷ 20). Phần lớn các bộ mộc bản trong số đó được san khắc vào thời Nguyễn khoảng giữa thế kỷ 19 trong các triều vua Minh Mạng, Tự Đức, Thành Thái…

Nghề in ở Thanh Liễu và Phật giáo dung hòa

Thông tin trên nhiều mộc bản cho biết người trực tiếp chế tác mộc bản (chọn gỗ, xử lý gỗ, viết chữ, khắc chữ, khắc trang trí) là thợ thuộc các phường chuyên nghề khắc ở làng khắc mộc bản lâu đời Thanh Liễu (tỉnh Hải Dương). Họ tới chùa, làm các công đoạn từ chế tác mộc bản đến in, đóng sách. Nhà chùa tổ chức, giám sát, phát hành sách tới các chùa khác và Phật tử. Có thể thấy các sư tổ của chùa muốn khắc kinh lên gỗ để truyền dạy cho môn đồ và truyền đời sau.

Ván khắc cho thấy tài nghệ của người xưaẢNH: TƯ LIỆU CỤC DI SẢN VĂN HÓA

Ván khắc cho thấy tài nghệ của người xưa

TƯ LIỆU CỤC DI SẢN VĂN HÓA

Hồ sơ bảo vật quốc gia cũng cho biết, các nhà nghiên cứu nghề in ấn thời Nguyễn đánh giá chùa Vĩnh Khánh là một cơ sở in nổi tiếng với lịch sử 157 năm (1750 - 1907), bên cạnh các cơ sở in nổi tiếng và có tuổi thọ khác.

Mộc bản cũng cho thấy thời kỳ phát triển của Phật giáo ở miền Bắc giai đoạn thế kỷ 17 - 18 với những quan điểm, triết lý cũng như việc hoằng dương Phật pháp. Điều này khẳng định tính chất bác học của Phật giáo VN. Nhận định này hoàn toàn có thể thấy được qua một số văn bản quan trọng về việc nghiên cứu tín ngưỡng Dược Sư qua Dược Sư kinh Dược Sư kinh đề cương do chùa Trăm Gian khắc in. Đồng thời, các mộc bản cũng cho thấy quá trình phát triển của hệ thống văn tự Nôm qua các thời đại. Bên cạnh chữ Hán hoặc Nôm, còn có một số ít mộc bản ghi cả chữ Hán và Nôm. Điều đó minh chứng cho việc sử dụng hệ thống đa ngôn ngữ trong việc ghi chép và truyền bá kinh Phật ở nước ta.

Các kinh sách trên mộc bản chùa Trăm Gian cũng cho thấy dấu ấn của Nho giáo qua các huấn thị về gia đình, dấu ấn Lão giáo qua các nội dung bùa chú trấn yểm. Bên cạnh đó, còn là hệ thống sách các khoa cúng mang hình thái tín ngưỡng dân gian cũng được san khắc lưu hành. Như vậy, người VN đã có tiếp nhận tinh hoa Phật giáo rồi dung hòa với Nho giáo, Lão giáo cùng tín ngưỡng dân gian bản địa, nhờ đó tạo ra một tư tưởng và cách sinh hoạt Phật giáo mang màu sắc VN rất rõ. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.