Tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc VNCERT cho biết: "An toàn thông tin mạng là vấn đề nóng, đang thu hút sự quan tâm lớn hiện nay. Tấn công mạng không chỉ gây thiệt hại đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà còn có thể ảnh hưởng tới kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và lợi ích của từng người dân".
|
Để thực hiện công tác điều phối ứng cứu sự cố, bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quy định về việc điều phối hoạt động ứng cứu sự cố mạng internet Việt Nam.
Để triển khai thực hiện thông tư này, mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia đã hình thành và phát triển, với cơ quan điều phối quốc gia là trung tâm VNCERT, cùng thành viên là các đơn vị chuyên trách về CNTT của các Bộ, ngành địa phương, các ISP, trung tâm VNNIC và các thành viên tự nguyện khác.
Mạng lưới ứng cứu sự cố đã đóng vai trò quan trọng trong công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng. Sau 5 năm triển khai, mạng lưới ứng cứu sự cố đã có 124 thành viên hoạt động trên cả nước, phối hợp xử lý hàng chục ngàn sự cố.
Bên cạnh đó, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết: “Riêng trong tháng 11.2016 có tới 627.355 hành vi scan vào hệ thống để dò tìm lỗ hổng tại TP.HCM, với 72.833 số lần ghi nhận tấn công vào hệ thống. Trong đó, ghi nhận hơn 1 triệu lượt mã độc phát tán trên hệ thống mạng chính quyền, trên 30 địa chỉ IP (C& C Serve) có dấu hiệu tấn công, truy cập, điều khiển trái phép vào hệ thống".
Cũng theo VNCERT, năm 2015, Trung tâm đã ghi nhận 31.585 sự cố (gồm cả sự cố Phishing, Deface và Malware) và 1.451.997 lượt địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng Botnet. So với năm 2014, số lượng sự cố xảy ra năm nay tăng vọt 159,6%.
|
Những con số này chính là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy hiểm họa tấn công mạng đối với các tổ chức, các doanh nghiệp là rất lớn với tốc độ và qui mô ngày càng tăng. Đảm bảo an toàn thông tin đã trở thành nhiệm vụ cấp thiết của mọi tổ chức, đặc biệt là doanh nghiệp.
Bình luận (0)