Bảo vệ bản quyền âm nhạc trên môi trường số

27/03/2024 07:40 GMT+7

Sự xuất hiện của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và nhiều thiết bị khác, đang thay đổi mô hình tiêu thụ và sáng tạo nội dung. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với thị trường bản quyền.

Đó là nhìn nhận chung của các diễn giả tại Diễn đàn bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc (do Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT-DL và Cơ quan Bảo vệ bản quyền Hàn Quốc - KCOPA tổ chức) diễn ra tại TP.HCM sáng 26.3. Diễn đàn là một trong những hoạt động thường niên nhằm triển khai bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ VH-TT-DL VN và Bộ VH-TT-DL Hàn Quốc được ký kết năm 2013.

Bảo vệ bản quyền âm nhạc trên môi trường số- Ảnh 1.

Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, phát biểu tại Diễn đàn bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc

Ảnh: Tường Linh

Với chủ đề Chính sách bản quyền trên môi trường số và phương án hợp tác giữa hai quốc gia, đặc biệt tập trung vào nội dung bảo hộ quyền tác giả (QTG) âm nhạc, ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL), cho rằng kỷ nguyên số và internet đã và đang tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận tác phẩm, những buổi biểu diễn, bản ghi âm/ghi hình... vào bất kỳ thời gian, địa điểm nào nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức để bảo hộ QTG, quyền liên quan (QLQ) trong các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Trong đó, việc bảo hộ QTG, QLQ đối với tác phẩm âm nhạc trên môi trường số tác động không nhỏ đến ngành công nghiệp âm nhạc của mỗi quốc gia.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC), hiện nay, hàng loạt trang nghe nhạc trực tuyến, ứng dụng nghe nhạc xuất hiện và cho đăng tải rất nhiều ca khúc, kể cả những sản phẩm vừa được phát hành của nghệ sĩ, chỉ vài giờ sau khi ra mắt đã có hàng trăm website đăng tải (đơn cử như trường hợp ca khúc Chúng ta của tương lai - Sơn Tùng M-TP, có vô số trang cho phép tải về máy miễn phí ngay sau khi ca sĩ này phát hành).

Việt Nam và Hàn Quốc hợp tác bảo vệ bản quyền tác giả trên môi trường số

Ông Phạm Thanh Tùng, Phó trưởng Phòng quản lý quyền tác giả, quyền liên quan và hợp tác quốc tế - Cục Bản quyền tác giả, cho biết dù đã có nhiều nỗ lực từ phía cơ quan quản lý, thực thi nhưng tình trạng xâm phạm QTG, QLQ trên môi trường kỹ thuật số vẫn diễn ra ngày càng phức tạp, vẫn còn tình trạng những người sáng tạo vi phạm bản quyền của nhau.

Theo ông Tùng, công tác bảo hộ QTG, QLQ nói chung và trong môi trường kỹ thuật số nói riêng còn chưa đáp ứng yêu cầu. Trong đó, đầu tư về nguồn nhân lực tại T.Ư và địa phương, đầu tư nguồn lực về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực thi, đấu tranh phòng ngừa và chống hành vi xâm phạm QTG, QLQ trên môi trường số, xuyên biên giới chưa tương xứng với yêu cầu trong tình hình mới.

Về nguyên nhân, ông cho rằng rất khó xác định và xử lý hành vi vi phạm trên môi trường số, nhất là các trường hợp có yếu tố nước ngoài. Kế đến, là do nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của QTG, QLQ của không ít cơ quan, tổ chức, cá nhân; chưa nắm vững các quy định pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; việc xử lý hành vi xâm phạm QTG, QLQ chưa đủ sức răn đe và việc phối hợp giữa các cơ quan chưa thực thi hiệu quả.

Tăng cường chính sách bản quyền

Trong khi đó, liên quan vấn đề trên, bà Lee Young Ah - Trưởng phòng Hợp tác thương mại văn hóa - Bộ VH-TT-DL Hàn Quốc, cho biết hội thảo quốc tế về bảo vệ nội dung trực tuyến (tháng 11.2023) tổ chức tại Hàn có sự tham dự của 5 cơ quan gồm Bộ VH-TT-DL, Bộ TT-TT, Bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án. Bằng cách này, theo bà, việc bảo vệ bản quyền và lĩnh vực xử lý vi phạm ngày càng được mở rộng phạm vi sang các lĩnh vực bảo vệ bản quyền và phản hồi vi phạm khác.

Bảo vệ bản quyền âm nhạc trên môi trường số- Ảnh 2.

Các diễn giả - lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả VN và Hàn Quốc, đại diện Cơ quan Bảo vệ bản quyền Hàn Quốc, các hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp âm nhạc tham gia diễn đàn

"Chính phủ Hàn Quốc vẫn luôn liên tục nỗ lực nhằm thích ứng với quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và những thay đổi kèm theo trong môi trường sử dụng bản quyền. Đặc biệt, trong kỷ nguyên AI, chúng tôi đang tìm cách hài hòa giữa công nghệ và hệ thống bản quyền bằng cách vận hành "Nhóm làm việc về bản quyền AI" và xuất bản các hướng dẫn vào cuối năm 2023 (cụ thể là thông tin hướng dẫn đối với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm AI, với người giữ bản quyền, người sử dụng AI và đăng ký bản quyền cho sản phẩm AI).

Tại diễn đàn, bà Lee Ha Yong - Phó trưởng phòng Hợp tác thương mại văn hóa - Bộ VH-TT-DL Hàn Quốc, cho biết thêm để bảo vệ bản quyền trên môi trường số, chính phủ Hàn Quốc đã và đang nỗ lực nâng cao nhận thức bản quyền (bằng việc xây dựng Bảo tàng Bản quyền quốc gia, vừa thành lập tháng 11.2023 - nơi người tham quan sẽ trực tiếp sử dụng tác phẩm, sáng tác và đăng ký bản quyền nhằm hiểu rõ hơn về bản quyền và tầm quan trọng của nó trong cuộc sống hằng ngày); nỗ lực loại bỏ vi phạm bản quyền (thông qua việc công bố chính sách phòng chống lưu hành bất hợp pháp những nội dung của văn hóa Hàn - K-content cùng với các bộ ngành); nỗ lực để cân bằng việc sử dụng, bảo vệ bản quyền (thông qua thảo luận về việc ban hành, sửa đổi luật liên quan)… 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.