Nghị quyết số 36-NQ/TW đã tổng kết những thành tựu đạt được sau 10 năm thực hiện Chiến lược biển VN đến năm 2020 và nêu rõ những khó khăn, thách thức, những việc chúng ta chưa làm được để xây dựng VN trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên vùng biển và hải đảo của VN.
Chúng ta đã làm được khá nhiều, đã nâng cao được nhận thức của toàn hệ thống chính trị, xây dựng được cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển ở cấp T.Ư và địa phương, xây dựng được hệ thống chính sách, pháp luật về biển; có nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Tuy vậy, còn nhiều điều chúng ta chưa làm được.
Biển của chúng ta rất giàu và đẹp với vị trí địa chính trị quan trọng, là một phần của một trong những trung tâm đa dạng sinh học biển nông trên toàn thế giới, có những khu vực rất thuận lợi để phát triển cảng biển, những bãi biển tuyệt đẹp của miền nhiệt đới ấm áp quanh năm và nhiều loại tài nguyên khoáng sản. Tuy vậy, hiện nay nguồn cá biển đang cạn kiệt; ô nhiễm biển, đặc biệt là ô nhiễm chất dinh dưỡng và rác thải nhựa đã ở mức cực kỳ nghiêm trọng. Các bãi biển tuyệt đẹp, trong tương lai sẽ được khai thác rất hiệu quả nếu vẫn tiếp tục là tài sản công, đã bị biến thành của tư nhân, làm giảm hiệu quả và khả năng khai thác. Rác thải, nước thải đổ tự do xuống biển. Nhiều đảo và vùng biển hợp pháp của VN vẫn bị nước ngoài chiếm giữ. Ngư dân ta vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi đánh bắt trên biển.
Bảo vệ biển là một nhiệm vụ lâu dài, nhưng hơn bao giờ hết, bây giờ là lúc cần phải hành động một cách hiệu quả. Nhà nước, các đoàn thể cần hỗ trợ thiết thực để ngư dân yên tâm bám biển, làm giàu từ biển; để mỗi ngư dân trở thành một cột mốc bảo vệ chủ quyền và bảo vệ tài nguyên, môi trường và nguồn lợi cá biển. Ngư dân cần được tổ chức để giúp nhau trên biển, quản lý, hỗ trợ tốt hơn để được tự do đánh bắt hợp pháp trong vùng biển của chúng ta.
Chúng ta cần nghiêm túc thực hiện và có chế tài nghiêm khắc với các hoạt động xâm phạm hành lang bảo vệ bờ biển quy định trong luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, khẩn trương hoàn thành, phê duyệt và thực hiện nghiêm túc Quy hoạch không gian biển; nhân rộng các mô hình cộng đồng bảo vệ môi trường biển; xây dựng và áp dụng những mô hình phân loại, thu gom, tái chế các loại rác thải tái chế được, tự xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình nông thôn ven biển và lưu vực sông; tăng cường giáo dục và kỷ cương của cán bộ chính quyền và người dân về bảo vệ môi trường và nguồn lợi cá biển.
Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể bảo vệ biển và phát triển bền vững kinh tế biển.
Bình luận (0)