Bảo vệ dân phố đánh hai thiếu niên: Trẻ em trộm cắp lỗi do ai?

03/04/2021 11:05 GMT+7

Từ câu chuyện bảo vệ dân phố đánh hai thiếu niên tại một trường học ở TP.HCM vì trộm đồ. Nhiều phụ huynh, chuyên gia giáo dục cho rằng mọi người cần phải quan tâm con mình nhiều hơn.

Ngày 31.3, tổ bảo vệ dân phố của P.14, Q.10, TP.HCM đang làm nhiệm vụ tuần tra, khi đến khu vực Trường THCS Nguyễn Văn Tố thì nghe tiếng tri hô của bảo vệ nhà trường có trộm đột nhập nên đến hỗ trợ bắt giữ, đưa hai em là N.P.H.T và N.D.T.A (cùng 14 tuổi, ngụ Q.10) vào phòng bảo vệ của trường này chờ lực lượng công an đến giải quyết. Tại đây, trong quá trình trích xuất camera để đối chất thì bảo vệ dân phố tên T.Q.H đã đánh, đấm hai thiếu niên như video clip đăng tải vào tối 1.4.

Phải răn dạy từ nhỏ

Từ câu chuyện trên, nhiều phụ huynh cũng nhìn nhận lại cách dạy con. Chị N.T.Yến, 37 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM, không đồng tình với cách hành xử của bảo vệ dân phố với hai thiếu niên 14 tuổi. Tuy nhiên, chị Yến thừa nhận rằng việc hai bạn trẻ này đi trộm đồ như thế là không đúng đắn.
Chị Yến chia sẻ lúc trước chị rất lo lắng với hành vi từ đứa con trai 7 tuổi của mình, đó là hay “chôm” đồ chơi của bạn nhà kế bên. Mặc dù biết trẻ con vô tư và thích những thứ mới lạ, màu sắc. Nhưng cứ để hành vi ấy diễn ra liên tục thì sẽ tạo thói xấu cho con mình.

Sau khi clip đánh hai thiếu niên bị phát tán nhiều phụ huynh bàng hoàng

Ảnh: Chụp màn hình

“Lúc đó, mình với ông xã thường nhắc nhở và phạt nhẹ bằng việc gõ tay. Sau đó hỏi động cơ lấy đồ của bé, rồi phân tích chỉ ra sai đúng để bé hiểu và tự hứa không được làm vậy. Mẹ và bé sẽ thống nhất trả đồ đã lấy về vị trí cũ, nói bé không được tùy tiện lấy đồ người khác mà không có sự đồng ý” chị Yến nói.
Còn thầy Phạm Thanh Tuấn, giáo viên bộ môn giáo dục công dân, Trường THCS - THPT Diên Hồng, TP.HCM, cho hay việc giáo dục con cái từ nhỏ là yếu tố quan trọng trong việc góp phần định hướng hành động tốt cho con trẻ sau này.
“Trẻ con trộm cắp có một phần lỗi từ các bậc phụ huynh do không răn dạy chúng từ nhỏ. Cũng một phần cha mẹ không dành thời gian quan tâm con cái vì cuộc sống mưu sinh, chính điều này khiến con bị bạn bè xấu rủ rê… rồi dẫn đến hành vi trên”, thầy Tuấn cho biết.
Thầy Tuấn chia sẻ thêm: “Dạy con phải xuất phát từ gia đình và sự kết hợp của nhà trường. Ví dụ như cha mẹ phải làm gương cho con cái bởi chúng cũng ảnh hưởng từ thói quen và sự dạy dỗ của phụ huynh. Hãy dạy con không lấy những thứ không phải của mình, hay bất kỳ thứ gì không phải do mình làm ra. Cần phải có những tình huống thực tế để con trẻ tự xử lý và cha mẹ có thể quan sát điều chỉnh. Ngoài việc đó có thể dạy con các bài học về lòng tự trọng, trung thực... khi có sự phối hợp tốt giữa nhà trường và gia đình cùng giáo dục như thế sẽ tốt hơn, điều đó giúp các em hiểu được việc gì nên và không nên làm”.

"Hợp đồng song phương"

Đồng quan điểm với thầy Tuấn, chuyên gia giáo dục Nguyễn Khánh Chi, công tác tại Công ty giá trị sống TP.HCM, cho hay trẻ có hành vi trộm cắp thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên cần xác định nguyên nhân lớn nhất thuộc về gia đình. Gia đình khó khăn có thể khiến trẻ nảy sinh hành vi sai trái, hoặc gia đình có điều kiện nhưng không chu cấp, không quan tâm, không lắng nghe chia sẻ cùng trẻ. Ngoài ra, trẻ thực hiện hành vi trộm cắp cũng có thể do vấn đề tâm lý, thích mạo hiểm, thích thể hiện, đua đòi theo các bạn hoặc do bị khủng hoảng, bị ép buộc… Thông thường, những hành vi trộm cắp ban đầu của trẻ rất dễ bị phát hiện nhưng nếu gia đình không quan tâm hoặc định hướng đúng thì hành vi ấy sẽ lặp lại và tạo nên thói quen xấu lâu dài.
 

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Khánh Chi cho hay không nên khắt khe trước những nhu cầu chính đáng của trẻ

Ảnh minh họa: NVCC

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Khánh Chi cho hay: “Cha mẹ và thầy cô cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn. Chúng ta nên bình tĩnh trong các trường hợp, bởi nóng giận và bạo lực chỉ làm gia tăng tiêu cực trong suy nghĩ non nớt của trẻ. Trò chuyện cởi mở và luôn cho trẻ tự do mạnh dạn nói lên suy nghĩ là cách làm hiệu quả để trẻ bộc lộ những bí mật. Người lớn không nên quá khắt khe trước những nhu cầu chính đáng của con".
"Chúng ta cần hạn chế nói từ "không" trước mọi mong muốn bởi nó sẽ tạo nên ức chế trong tâm lý của trẻ. Thay vào đó, người lớn cùng chia sẻ, bắt tay để tạo nên những "hợp đồng song phương". Con tạo nên giá trị thì cha mẹ sẽ có phần thưởng tương xứng. Và khi con đã có ý thức về tiêu dùng, cha mẹ nên tập cho con thói quen quản lý và sử dụng tiền hợp lý. Chẳng hạn với số tiền định kỳ mà cha mẹ cho, con có thể chia làm ba phần, phần tiêu vặt hằng ngày, phần để dành tiết kiệm, phần thiện nguyện để dành tặng quà người thân và người khó khăn”, bà Khánh Chi nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.