Bảo vệ hay phá hoại môi trường?

14/07/2016 06:29 GMT+7

Giám đốc Công ty môi trường đô thị TX.Kỳ Anh (Hà Tĩnh), ông Lê Quang Hòa lý giải về chuyện chôn hàng trăm tấn bùn thải của Formosa trong trang trại vì "đây chỉ là chất bùn sinh hoạt, không nguy hại".

Nhận thức của người có trách nhiệm, có thẩm quyền, có vai trò trong ngành môi trường như thế này thì đúng là "bó tay".
Theo Thông tư 36/2015 của Bộ TN-MT về quản lý chất thải nguy hại (CTNH) thì chất thải từ ngành công nghiệp gang thép như chất thải rắn; chất thải lẫn dầu từ quá trình xử lý nước làm mát; bùn thải và bã lọc đều nằm trong danh sách "CTNH hoặc có khả năng là CTNH". Là cán bộ môi trường, không lẽ ông Hòa không biết điều này mà vẫn "hồn nhiên" chôn hàng trăm tấn thải từ lò luyện cốc của Formosa trong trang trại?
Mà cứ cho là ông không biết đi nữa thì sự việc Formosa xả thải gây nên thảm họa cá chết ở 4 tỉnh miền Trung không lẽ không khiến ông mảy may suy nghĩ, đề phòng với các loại chất thải từ công ty này? Nên nhớ, việc ông Hòa chôn bùn thải của Formosa trong trang trại diễn ra mới khoảng 1 tháng trở lại đây, nghĩa là hành vi này được thực hiện ngay trong giai đoạn "nóng" nhất của cuộc điều tra rồi đi tới kết luận Formosa là nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường tại VN.
Trong bối cảnh này, bất cứ một người dân bình thường nào cũng có tâm lý cảnh giác, nhưng một cán bộ môi trường như ông Hòa thì không? Ông không cảnh giác đã đành, ông lại còn làm liều. Công ty môi trường đô thị Kỳ Anh không có chức năng vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp nhưng ông vẫn ký hợp đồng với Formosa rồi mang bùn thải về chôn luôn trong trang trại của mình, bất chấp xung quanh trang trại này có khe nước Tò Vò chảy ra đập Mộc Hương - cung cấp nước từ thượng nguồn về xuôi.
Theo ông Hòa, sở dĩ ông làm những việc trên vì Sở TN-MT Hà Tĩnh đã vào kiểm tra và xác định bùn thải của Formosa là chất thải thông thường. Bùn thải này độc hay không, độc nhiều hay ít thì cơ quan chức năng đã lấy mẫu phân tích và sẽ có kết quả nhưng trước đó, từ ngày 11.12.2015, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh đã lấy 4 mẫu chất thải rắn ở lò luyện cốc này gửi đi xét nghiệm.
Đến ngày 25.12.2015, Viện Khoa học - Công nghệ môi trường thuộc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội kết luận, các mẫu bùn ép nằm trong ngưỡng chất thải nguy hại tính theo hàm lượng tuyệt đối cơ sở. Điều này đồng nghĩa đây là chất thải rắn công nghiệp thông thường. Nhưng đã là chất thải công nghiệp thì việc xử lý phải theo quy định của pháp luật chứ không thể "cho mang về trồng cây" được. Vì vậy, cần phải làm rõ động cơ và trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc này.
Formosa tiếp tục vi phạm (ký hợp đồng với công ty không có chức năng vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp) ngay trong thời điểm cúi đầu nhận tội gây ra thảm họa môi trường tại VN và cam kết khắc phục hậu quả. Sở dĩ họ có thể làm được điều đó là do chúng ta lỏng lẻo trong quản lý, giám sát việc xử lý chất thải của họ. Do có những cá nhân, tổ chức có chức năng kiểm soát, bảo vệ môi trường nhưng lại trực tiếp vi phạm và tiếp tay cho các hành vi vi phạm.
Nhìn rộng ra các dự án gây ô nhiễm môi trường khiến dư luận bức xúc vừa qua như Formosa, Nhà máy giấy Lee & Man... có thể thấy, chúng ta vẫn coi Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là một thủ tục chứ không coi nó có tính pháp lý để yêu cầu, giám sát chặt chẽ việc thực hiện đúng, đủ và nghiêm túc ngay từ khi lập ĐTM.
Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần khẳng định, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, nhưng thực tế ở nhiều địa phương trên cả nước việc đánh đổi môi trường để thu hút vốn đầu tư vẫn đang diễn ra.
Đã đến lúc phải xem lại việc phân cấp cho các địa phương tới đâu là phù hợp. Với các dự án lớn, cần có sự liên kết giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý, giám sát rủi ro đối với môi trường chứ không thể phó mặc cho địa phương. Nếu không thì chuyện một giám đốc công ty môi trường mang bùn thải công nghiệp về chôn ngay đầu nguồn nước chắc chắn sẽ vẫn còn tiếp diễn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.